HSC: NHNN có thể nới ‘room’ tín dụng khi tăng trưởng GDP quý III có dấu hiệu giảm tốc
Ngân hàng Nhà nước đi trước một bước | |
Không nới ‘room’ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm |
Ảnh minh họa |
Vẫn còn dư địa để tăng trưởng tín dụng
Theo Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), Chỉ thị số 04 nhằm kiểm soát chặt hơn tăng trưởng tín dụng trong năm nay vừa được Thống đốc ban hành có vẻ cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong quý III như thường làm.
Tuy nhiên do mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 17% trong khi hạn mức dành cho các NHTM chủ yếu là 14% nên NHNN vẫn còn dư địa để nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho những NHTM cụ thể mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung.
Ngoài ra, NHNN cũng đưa ra trường hợp ngoại lệ cho các NHTM sáp nhập với một NHTM thực hiện tái cơ cấu (HDBank là một trường hợp xem xét).
Đáng chú ý, HSC cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cuối cùng có lẽ sẽ được ấn định vào cuối tháng 9 khi số liệu GDP quý III được công bố. Nếu GDP vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt thì cho dù tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc thì NHNN có lẽ sẽ cảm thấy an toàn khi siết chặt hơn định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018.
Ngược lại nếu tăng trưởng GDP quý III có dấu hiệu giảm tốc thì NHNN có thể sẽ phải nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM, hướng về mức 17% nhằm giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm.
NHTM sẽ làm gì khi không được nới ‘‘room’’ tín dụng?
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều NHTM đã có mức tăng trưởng cho vay cao hơn bình quân. Chẳng hạn như Vietcombank với tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là 11,52%; VietinBank (9,7%); MBBank (11,2%); HDBank (16,18%); ACB (11,79%); Sacombank (10,6%); LienVietPostBank (13,82%).
Như vậy, có vẻ như tín dụng tại những NHTM trên sẽ không thể tăng trưởng nhiều trong nửa cuối năm trừ khi NHNN nới hạn mức lên trên 14%.
HSC chỉ ra một số phương án để các ngân hàng có thể giảm bớt ảnh hưởng từ chỉ thị này trong trường hợp không được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Đó là tái cơ cấu các khoản vay, tăng NIM, tăng thu nhập ngoài lãi và đăng ký hỗ trợ các ngân hàng yếu kém.
Theo đó, các NHTM có thể tái cơ cấu các khoản vay theo hướng chuyển một số khoản vay lợi suất thấp đáo hạn sang các khoản vay lợi suất cao hơn. Ví dụ như bán bớt một số các trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường hoặc bán cho các công ty chứng khoán/công ty bảo hiểm để tạo thêm dư địa cho vay khách hàng. Hoặc bán một phần dư nợ cho vay cho các NHTM khác có mức tăng trưởng chậm hoặc Công ty quản lý tài sản của các NHTM khác.
Một lựa chọn khác cho các ngân hàng là đẩy mạnh tỷ lệ NIM bằng cách áp dụng lãi suất cho vay cao hơn đối với một số khách hàng đi vay và lãi suất nhận tiền gửi thấp hơn. Khả năng giảm lãi suất tiền gửi là có thể nếu tín dụng tăng chậm lại thì nhu cầu tăng huy động cũng giảm theo. Tuy nhiên, dư địa để tăng tỷ lệ NIM là hạn chế.
Cùng với đó, các ngân hàng có thể nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng các nguồn thu nhập ngoài lãi bằng cách tăng phí dịch vụ khách hàng và quyết liệt hơn trong mảng bán bảo hiểm. Đồng thời kiểm soát chi phí hoạt động nghiêm ngặt hơn.
Ngoài ra, một số ngân hàng có thể lựa chọn phương pháp thông qua M&A với các ngân hàng đang tiến hành tái cấu trúc hoặc bằng cách nỗ trợ các ngân hàng này trong công tác quản trị, huy động và bán chéo,…để nhận được "ngoại lệ" theo chỉ thị 04.