|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng lớn kích thích ngành công nghiệp in ấn, đóng gói bao phát triển

11:22 | 18/10/2019
Chia sẻ
In ấn và đóng gói bao bì là một trong những ngành hỗ trợ quan trọng đối với ngành sản xuất, công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam. Với mức tăng trưởng cao, thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành công nghiệp không phải là tìm khách hàng mà là đầu tư đổi mới công nghệ.

Nhiều yếu tố thuận lợi cho công nghiệp in ấn và đóng gói bao bì phát triển nhanh

Theo báo cáo của Hiệp hội In ấn Việt Nam (VPA), thị trường in ấn và đóng gói bao bì tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng 15 - 20% trong những năm qua do nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều tăng.

Các chuyên gia nhận định, khoảng hai năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường đóng gói và in ấn đang tăng lên đáng kể. Điều này xuất phát từ sự gia tăng nhu cầu đóng gói bao bì trên thị trường nói chung. 

Tại TP HCM, ngành đóng gói và in ấn chiếm 60 -  65% thị phần toàn ngành, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 15%.

Đáng chú ý, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thực phẩm tiêu dùng, ngành đang có lợi thế ở tại Việt Nam với dân số đông và trẻ, thu nhập cao, sức mua tăng mạnh cũng dẫn đến cơ hội cho ngành in ấn, đóng gói bao bì hỗ trợ cho các nhóm sản xuất thương mại thực phẩm.

40b9c8e334f3d2ad8be2

In ấn và đóng gói bao bì là một trong những ngành hỗ trợ quan trọng đối với ngành sản xuất, công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam. Ảnh: NH.

Theo thống kê, tính riêng ngành bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm. 

Điều đó dẫn đến cuộc chạy đua ngày càng căng thẳng về mẫu mã, bao bì sản phẩm, phục vụ cho việc làm thương hiệu, nhãn hàng, cạnh tranh thị phần của các doanh nghiệp trong mỗi ngành hàng. 

Trong khi đó, số liệu do Liên đoàn Kỹ thuật Đức (VDMA) cho thấy ngành công nghiệp đóng gói thực phẩm chế biến sẵn sẽ tăng trưởng 38% trong giai đoạn 2015 - 2020. 

Theo đó nhu cầu về máy móc và vật liệu in ấn và đóng gói cũng sẽ gia tăng khoảng 25%.

Tìm cơ hội cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành công nghiệp này không phải là tìm khách hàng mà là đầu tư đổi mới công nghệ để cạnh tranh và bắt kịp nền sản xuất đang ngày càng phát triển. 

Nếu biết nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng gói bao bì có thể đẩy mạnh tăng trưởng.

Do đó, thay cho những năm trước đây khi nhiều doanh nghiệp nhỏ đuối sức trong cuộc đua vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu và yếu thế trong cuộc chạy đua kĩ thuật, máy móc công nghệ cao..., các hội chợ, triển lãm trực tiếp tại nội địa được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhanh nhất và tìm được các đối tác phù hợp để xây dựng chuỗi cung ứng, giảm chi phí đi lại và tìm kiếm công nghệ, sản phẩm mới.

Thời điểm này, tại TP HCM, Triển lãm chuyên ngành lần thứ 19 của ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn (Vietnam PrintPack) diễn ra từ ngày 16 - 19/10 được xem là một trong những cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tìm bước đột phá từ công nghệ, giải pháp cho ngành in ấn và bao bì.

Hàng loạt sản phẩm công nghệ in ấn và đóng gói bao bì mới nhất của gần 380 doanh nghiệp từ những quốc gia đầu ngành và phát triển lẫn các thị trường mới nổi tập trung trưng bày tại 600 gian hàng trong suốt 4 ngày diễn ra triển lãm. 

aabd0cf2f0e216bc4ff3

Các loại thiết bị tự động hóa của nhiều quốc gia tiên tiến được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: NH

DSC00184

Cơ hội tìm kiếm các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp in ấn, đóng gói bao bì. Ảnh: NH

Ghi nhận cho thấy đa phần các gian hàng quốc tế đều giới thiệu những sản phẩm cốt lõi theo công nghệ tiên tiến trong ngành như máy cán, máy dán giấy, máy in nhãn, máy làm hộp, máy sản xuất bìa cứng, máy đóng sách, máy in offset, máy dập nổi và nhiều sản phẩm khác.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, hiện nay yêu cầu của khách hàng, người tiêu dùng ngày càng khắt khe, đòi hỏi bao bì không chỉ tiện lợi mà còn phải an toàn, thân thiện môi trường và có cả sự thông minh nữa.

Do đó, thay đổi bao bì, cải tiến qui cách đóng gói là những cuộc đua không hồi kết, là sự sáng tạo không ngừng của các doanh nghiệp.

249a1124f234146a4d25

Thị hiếu tiêu dùng và xu hướng phát triển của ngành hàng cũng được cập nhật nhanh chóng giữa các doanh nghiệp. Ảnh: NH.

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, in ấn và đóng gói bao bì là một trong những ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ đắc lực nhất cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đối với ngành chế biến thực phẩm. 

Cùng với nhu cầu gia tăng về số lượng, ngành công nghiệp in ấn và đóng gói bao bì cũng đang hướng đến những công nghệ in và đóng gói tự động hóa để cho ra đời những sản phẩm bao bì thông minh. 

Chính vì vậy, nhu cầu về máy móc, thiết bị hiện đại cũng không ngừng tăng cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật, nâng cấp thiết bị và đổi mới công nghệ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đối tác và khách hàng.

Như Huỳnh

Bầu Đức: Bằng mọi cách phải xóa lỗ lũy kế trong năm 2024
Công ty đặt kế hoạch lãi 1.320 tỷ đồng trong năm 2024 và sẽ hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển 280 tỷ, con số này chưa thể giúp doanh nghiệp xóa lỗ lũy kế nhưng bầu Đức khẳng định sẽ bằng nhiều cách để xóa lỗ trong năm nay.