|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tăng trần chi phí lãi vay được trừ lên 30%: Doanh nghiệp BĐS nói chỉ giải quyết được một phần

11:04 | 22/02/2020
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc nâng mức trần chi phí lãi vay được trừ lên 30% chỉ giải quyết được một phần, cần tính hồi tố về năm 2017 để tránh nguy cơ thuế chồng thuế.
Tăng trần chi phí lãi vay được trừ lên 30%: Doanh nghiệp BĐS nói chỉ giải quyết được một phần - Ảnh 1.

Khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao. (Ảnh: VTCNews)

Sau 3 năm, Nghị định 20 sắp tiến thêm được một bước

Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP qui định "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kì của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kì của người nộp thuế".

Hiểu đơn giản, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lí và bị tính thuế.

Qui định này nhằm mục đích làm tăng tính minh bạch của các giao dịch liên kết, khuyến khích doanh nghiệp khai thác nhiều nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đây là một công cụ hữu hiệu để quản lí hiện tượng chuyển giá có thể xảy ra tại các tập đoàn kinh tế đa quốc gia và các doanh nghiệp liên kết, gây thất thu ngân sách.

Tuy nhiên, sau 3 năm ban hành, Nghị định 20 đã khiến không ít doanh phải "kêu cứu" vì gặp khó trong việc huy động vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh. Giới chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền nên sửa qui định này theo hướng linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phát biểu tại một Hội nghị diễn ra hồi tháng 5/2019 rằng: "Nếu áp theo qui định này, mỗi năm các doanh nghiệp lớn phải nộp thêm hàng trăm tỉ đồng cho cơ quan thuế. Nộp đúng không sao nhưng theo quan điểm của tôi khoản này là không đúng".

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã từng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét sửa đổi bổ sung một số văn bản qui phạm pháp luật đang có vướng mắc. Trong đó, có qui định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định 20. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhắc nhở Bộ Tài chính.

Vừa qua, tháng 12/2019, Bộ Tài Chính đã có động thái đầu tiên trong việc sửa đội Nghị định này sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lí thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, Bộ đề xuất tăng mức trần chi phí lãi vay được trừ của doanh nghiệp lên 30%, thay vì 20% như hiện hành.

Thông tin tại "Hội nghị lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp BĐS" diễn ra sáng 18/2, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, Nghị định 20 đã tiến được một bước bởi ngay sau Tết, Bộ Tư pháp đã thẩm định Nghị định 20 sửa đổi.

"Tất nhiên cũng theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp khi tăng trần chi phí lãi vay được trừ từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, vẫn có những điểm chưa thỏa mãn như không có qui định hồi tố, doanh nghiệp nào đã nộp thuế rồi sẽ không được hoàn lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng những vấn đề liên quan đến Nghị định này", ông Nam nói.

Cần hồi tố tránh thuế chồng thuế

Tại một Hội thảo do VCCI tổ chức trong năm 2019, đại diện một DN cho hay, Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 qui định nội dung hoàn toàn mới, không được qui định rõ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa phù hợp.

Trên thực tế, so với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay.

Cũng theo vị này, việc điều chỉnh loại chi phí lãi vay làm tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.

Trong khi đó, chia sẻ tại Hội nghị lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp BĐS diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Tổng Giám đốc CTCP Eurowindow Holding cho biết, công ty đang gặp một số khó khăn mà nguyên nhân có liên quan tới dịch virus corona và Nghị định 20.

Vị này cho biết, dịch covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Do đó, Eurowindow kiến nghị Thủ tướng xem xét và có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng trong giai đoạn này, ví dụ như giãn thuế.

"Bản thân doanh nghiệp chúng tôi nhận thấy trong các kế hoạch đề ra trong quí I/2020 khả năng cao là sẽ không đạt được", bà Chi nhấn mạnh.

Cùng với đó, nguồn cung BĐS đang giảm, giao dịch trong năm nay thế mà cũng sẽ giảm. Vì vậy, vị đại diện doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường bằng những giải pháp quyết liệt và thiết thực hơn. Một trong những chính sách đó là phải giải tỏa về vốn bởi ngân hàng đang siết chặt tín dụng vào BĐS.

Ngoài ra, theo nhận định của bà Chi, việc nâng mức trần chi phí lãi vay được trừ từ 20% lên 30% chỉ giải quyết được một phần. Do đó, triệt để nhất là phải hủy bỏ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thơm, Kế toán trưởng CTCP Tập đoàn CEO cho rằng, Nghị định 20 ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp BĐS bởi tỉ lệ lãi vay rất cao. Trong khi đó, bản chất của Nghị định này là "đánh" vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm chống thất thu thuế.

Do đó, việc áp dụng qui định này cho các doanh nghiệp trong nước sẽ khiến họ phải nộp thuế rất lớn.

"Nghị định này đã đi được một bước đó là kiến nghị tăng tỉ lệ khống chế lãi vay được trừ lên 30%, tuy nhiên việc không được hồi tố cũng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp BĐS", bà Thơm nhấn mạnh.

Theo kiến nghị của vị đại diện Tập đoàn CEO, Nghị định 20 sửa đổi vẫn phải áp dụng cho kì tính thuế từ năm 2017 bởi hiện nay công ty nộp thuế cho kì 2017 - 2018 rất lớn. Phải làm được điều này thì mới gọi là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS.

"Đã không phù hợp thì phải sửa để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tránh việc lợi nhuận giảm mà khoản thuế thu nhập phải nộp vẫn lớn hơn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", vị này nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Lê