|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao Malaysia hủy nhiều dự án tỷ USD với Trung Quốc

07:20 | 17/07/2019
Chia sẻ
Hai dự án dẫn dầu và đường sắt cao tốc bị chính quyền Thủ tướng Malaysia đánh giá là "bất bình đẳng", gây gánh nặng cho ngân sách.

Chính phủ Malaysia vừa cưỡng chế thu hơn 243 triệu USD từ tài khoản Công ty Kỹ thuật Đường ống Dầu khí (CPP) - đơn vị thi công hai mạng lưới ống dẫn dầu và khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD. 

Lý do của việc thu lại hàng trăm triệu USD là CPP mới hoàn thành 13% khối lượng công việc, trong khi đã nhận về hơn 80% giá trị hợp đồng.

Tại sao Malaysia hủy nhiều dự án tỷ USD với Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: Reuters

Động thái này được xem như bước đi nối dài quyết tâm xử lý các dự án quá đắt đỏ, không cần thiết và "bất bình đẳng" với Malaysia, dưới thời chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad. 

Quyết định này được đưa ra gần một năm sau khi Malaysia cho dừng hai dự án đường ống dẫn dầu trị giá 2,3 tỷ USD, trong đó CPP là nhà thầu chính.

Sau khi đánh bại người tiền nhiệm Najib trong cuộc bầu cử năm ngoái, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã cam kết cắt giảm những chi tiêu quá mức và xem xét tất cả dự án của Trung Quốc được cho là "bất bình đẳng" với quốc gia này.

Tháng 7/2018, Malaysia tuyên bố đình chỉ ba trong số các dự án có vốn Trung Quốc lớn nhất, gồm hợp đồng xây ống dẫn dầu 600 km dọc bờ biển phía tây Malaysia, hợp đồng ống dẫn khí đốt 662 km trên đảo Borneo và dự án đường sắt cao tốc nối Malaysia với Singapore. 

Ba dự án có tổng giá trị khoảng 23 tỷ USD bị trì hoãn để "xử lý vấn đề tài chính nội bộ".

Theo Financial Times, việc dừng là bằng chứng rõ nét cho thấy quan điểm cứng rắn của chính quyền ông Mahathir trong việc hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Malaysia. 

Dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak, hàng tỷ USD vốn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã đổ vào cho Malaysia vay nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, một lý do khác là những dự án này đang tạo gánh nặng quá lớn với "túi tiền" của Malaysia, vốn đã căng thẳng sau vụ bê bối 1MDB - Quỹ đầu tư quốc gia Malaysia được lập dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak bị cho là đã biển thủ số tiền lên tới 4,5 tỷ USD.

Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng đầu năm 2018 cho biết, tổng nợ chính phủ của Malaysia, bao gồm cả nghĩa vụ nợ liên quan đến quỹ 1MDB, đã lên tới hơn 1.090 tỷ ringgit (khoảng 260 tỷ USD), tương đương 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Con số này khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng cân đối tài chính của chính quyền ông Mahathir, khi mà vừa đặt mục tiêu cắt giảm nợ vừa thực thi những lời hứa trong chiến dịch tranh cử. 

Những lời hứa bao gồm dừng thu phí đường bộ, tăng trợ cấp xăng dầu, xóa bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ - loại thuế có thể mang lại khoản thu ngân sách 12 tỷ USD.

Việc dừng các dự án hạ tầng quá tốn kém, tìm cách thu hồi tài sản liên quan tới 1MDB được đánh giá là  "cách làm hiệu quả", để vừa giữ lời hứa trước tranh cử, vừa có dư địa giảm gánh nặng cho ngân sách.

Tại sao Malaysia hủy nhiều dự án tỷ USD với Trung Quốc - Ảnh 2.

Mô hình tàu hỏa trong lễ ra mắt dự án ECRL năm 2017. Ảnh: Xinhua

Trong ba dự án bị xem xét lại giữa năm 2018, đến nay chỉ có dự án Tuyến đường sắt bờ Đông (ECRL) với nhà thầu Trung Quốc - China Communications Construction - được nối lại.

Khác với hai dự án đường ống dẫn dầu, dự án đường sắt này có vốn đầu tư cao gấp 10 lần, khoảng 20 tỷ USD, nên việc hủy hoàn toàn sẽ "không đem lại hiệu quả", bởi Malaysia có khả năng phải thanh toán khoản tiền phạt chấm dứt hợp đồng khoảng 21,78 tỷ ringgit (tương đương 5,3 tỷ USD).

Chưa kể, dự án đường sắt trên có ý nghĩa chiến lược lớn nhất đối với Trung Quốc ở Malaysia. 

"Trong số tất cả dự án ở Malaysia thì dự án này có tầm quan trọng lớn nhất với Sáng kiến Vành đai và Con đường, nên đây chính là dự án khiến Bắc Kinh quan tâm nhiều nhất", Peter Mumford, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Eurasia Group, đánh giá.

Theo đó, việc đàm phán lại được giới phân tích nhìn nhận là "bước đi khôn ngoan hơn", vừa không làm căng thẳng mối quan hệ với Trung Quốc, vừa giúp Malaysia giảm bớt gánh nặng tài chính. 

Theo phương án mới khi dự án này được nối lại, chi phí xây dựng dự án đường sắt đã giảm được 1/3 mức ban đầu còn gần 11 tỷ USD, mặc dù Malaysia vẫn phải vay tiền từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Minh Sơn (tổng hợp)