|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tại sao giá dầu im lìm dù EU sắp ban hành lệnh cấm bom tấn?

21:21 | 04/05/2022
Chia sẻ
Sau khi EU phát tín hiệu sẽ sớm công bố lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga, thị trường vẫn không nổi "gợn sóng". Nguyên nhân giá dầu đứng im là gì?

Giá dầu "bất động" sau động thái của EU

Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết khối kinh tế chung sẽ loại bỏ hoàn toàn dầu mỏ của Nga, nhưng theo một lộ trình cụ thể. EU dự kiến ngừng mua dầu thô của Nga trong 6 tháng và các sản phẩm hóa dầu vào cuối năm nay.

Chia sẻ với báo giới, bà von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ đảm bảo loại bỏ dầu thô của Nga theo lộ trình để khối và các đối tác có thời gian tìm kiếm nguồn cung thay thế nhằm giảm tác động đến thị trường toàn cầu”.

Trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, EU phụ thuộc vào Nga khoảng 3 - 3,5 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 25% nguồn cung của khối. Đối với một số nước, tỷ lệ phụ thuộc có thể lên đến hơn 50%.

Với khối lượng dầu thô liên quan lớn như vậy, một động thái loại bỏ năng lượng Nga của châu Âu đều có thể tương tự như một cơn đại hồng thủy đối với thị trường dầu mỏ nói chung.

Các chuyên gia dự đoán, khối đồng tiền chung châu Âu có thể thông qua kế hoạch trên ngay trong tuần này. Điểm đáng chú ý là giá dầu thế giới hầu như không nhúc nhích sau khi EU phát tín hiệu.

Ghi nhận tại thời điểm 17h36 ngày 4/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang dao động quanh mức 108,8 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI thấp hơn một chút ở mức 106,2 USD/thùng.

Giá dầu Brent đạt đỉnh vào năm 2008, ở mức 147 USD/thùng. Nếu điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát hiện nay, mức giá đó tương đương hơn 180 USD/thùng, tờ Barron’s thông tin thêm.

Nguyên nhân tại sao?

Tác động từ lệnh cấm tiềm năng của châu Âu bị giảm bớt bởi một số yếu tố. Trước hết, nhu cầu của Trung Quốc đã chững lại đáng kể khi nước này áp đặt các đợt phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của COVID. Ngoài ra, nguồn cung sẵn có đang tăng lên ở một vài nơi khác.

Mỹ và các nước đồng minh sắp sửa xả hơn 1 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược ra thị trường mỗi ngày, giúp giải tỏa vấn đề nguồn cung của các nhà máy lọc dầu và lấp đầy những bể chứa đã cạn kiệt trong những tháng gần đây.

Dù việc giải phóng dầu thô dự trữ của Mỹ và các nước không thể thay thế hoàn toàn hàng triệu thùng dầu của Nga, nhưng nó có thể khôi phục phần nào sự cân bằng cho thị trường năng lượng toàn cầu.

Một cơ sở lọc dầu bên ngoài Moscow. (Ảnh: Getty Images).

Đừng vội vui mừng

Tuy nhiên, Barron’s lưu ý thị trường không nên tự mãn dù giá dầu đứng im. Nhà phân tích Helima Croft của RBC Capital Markets cho biết, thị trường vẫn bị thiếu cung và có nhiều lý do cho thấy một động thái thực sự từ EU có thể khiến giá dầu tăng cao hơn trong tương lai.

Phần lớn diễn biến giá vẫn phụ thuộc vào cách phản ứng của Nga. Tuần trước, Moscow tuyên bố sẽ cắt nguồn khí đốt tự nhiên của Ba Lan và Bulgaria vì hai nước này không chấp nhận thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble.

Bà Croft cho biết giá dầu có thể biến động khó lường nếu EU cấm nhập khẩu năng lượng của Nga và Moscow phản ứng theo cách tương tự.

Vị chuyên gia cho hay: “Moscow thể hạn chế xuất khẩu dầu sang châu Âu trước cuối năm nay, điều này có thể kéo giá trở lại mức cao trước đó”. Trong năm 2022, giá dầu từng có thời điểm leo lên hơn 130 USD/thùng.

Một vấn đề quan trọng khác đối với thị trường dầu mỏ là liệu các nước châu Á có thể tiếp tục mua hàng của Nga hay không và với mức giá nào. Ví dụ, Ấn Độ vẫn tiếp tục mua ngay cả khi một số quốc gia khác đã ngừng tiếp nhận dầu thô của Nga.

Các giao dịch mua hàng đó đã làm giảm giá “vàng đen”. Khi Ấn Độ mua thêm dầu từ Nga, đất nước Nam Á sẽ bớt cần nguồn cung từ các nhà xuất khẩu khác, qua đó nhường lại chỗ dầu này cho những khách hàng khác.

Mỹ và châu Âu có thể phải cân nhắc xem liệu họ có nên đưa ra biện pháp nào để chống lại các nước vẫn tiếp tục làm ăn với Nga hay không, đặc biệt là nếu những tội ác chiến tranh được cho là Nga gây ra tiếp tục hoặc leo thang.

Nhà Trắng có thể “bị buộc phải xem xét lại các biện pháp trừng phạt thứ cấp nếu hành động tàn bạo của Nga gia tăng, chẳng hạn như thông qua việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân”, bà Croft cho hay.

“Chúng tôi nghĩ dầu thô của Nga sẽ chuyển từ trạng thái không được ưa chuộng sang không có sẵn hàng nếu Mỹ áp đặt các trừng phạt thứ cấp. Giá dầu khi đó có thể vọt lên 185 USD/thùng hoặc hơn, con số mà thị trường đang bàn tán”, vị chuyên gia cấp cao của RBC nhấn mạnh.

Khả Nhân