|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tại sao đồng nhân dân tệ trượt giá?

05:59 | 27/08/2019
Chia sẻ
Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm là 7,1468 NDT đổi 1 USD vào ngày 26/8 trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa thể hạ nhiệt.
Tại sao đồng nhân dân tệ trượt giá? - Ảnh 1.

Kiểm tiền NDT (phải) và USD (trái) tại ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington chưa thể hạ nhiệt, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm là 7,1468 NDT đổi 1 USD vào ngày 26/8.

Diễn biến này có thể làm trầm trọng hơn nữa những tranh chấp giữa hai siêu cường kinh tế thế giới và dấy lên những lo ngại về triển vọng của một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

So với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi cuối tháng 2/2019, đồng NDT đã mất giá khoảng 6,5%. Còn tính riêng trong tháng Tám, đồng nội tệ Trung Quốc giảm gần 4% so với đồng USD.

Trung Quốc đã cam kết sẽ tránh để đồng NDT trượt giá hơn nữa nhằm giữ giá xuất khẩu bình ổn giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tăng thuế hơn nữa.

Nhưng các nhà quản lý ngoại hối đang cố gắng để tỷ giá hối đoái dịch chuyển theo xu hướng thị trường hơn.

Điều đó khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung sẽ đẩy đồng NDT xuống thấp hơn nữa.

* Tại sao đồng NDT lại tuột dốc mạnh như vậy?

Trung Quốc hạn chế biên độ biến động hàng ngày của đồng NDT so với đồng USD bằng cách thiết lập tỷ giá trung tâm mỗi ngày và cho phép đồng nội tệ giao dịch trong phạm vi tăng hoặc giảm 2% so với đồng bạc xanh.

Điều này nhằm mục đích cân bằng các xu hướng thị trường ngoại hối thực tế với nhu cầu phòng vệ trước những thay đổi bất ngờ có thể xảy ra trên thị trường vốn chưa thực sự trưởng thành của Trung Quốc.

Nhưng trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã liên tục thiết lập tỷ giá trung tâm ở mức yếu hơn. Đồng thời, Bắc Kinh cũng dường như ngừng sử dụng kho dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng NDT khi cuộc chiến thương mại với Washington ngày càng trở nên “khốc liệt”.

*Trung Quốc có lợi gì khi đồng NDT giảm giá?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng các mức thuế quan áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc kể từ đầu năm ngoái.

Mục đích của ông là gây áp lực buộc Bắc Kinh thay đổi những gì mà Washington coi là hành vi thương mại không công bằng.

Việc Mỹ áp thuế quan đối với một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc khiến chúng đắt hơn và do đó ít hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng ở Mỹ.

Tuy nhiên, một đồng NDT yếu đồng nghĩa với việc những hàng hóa đó có thể được bán với giá thấp hơn, giúp hạn chế phần nào các tác động từ thuế quan.

Theo giới quan sát, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trước cả khi cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra.

Chắc chắn các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh rất muốn ngăn chặn những “cơn gió ngược” phát sinh từ một ngành chế tạo bị tê liệt vì thuế quan rồi lan sang toàn bộ nền kinh tế.

*Những rủi ro nào cho kinh tế Trung Quốc và thế giới?

Từ lâu, những người không có thiện cảm với Trung Quốc tại Mỹ đã cáo buộc Bắc Kinh cố ý giữ đồng NDT dưới mức thị trường tự xác định để đạt được lợi thế xuất khẩu. Một đồng NDT thậm chí còn yếu hơn trước đây có thể sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Tổng thống Trump hồi đầu tháng này đã giận dữ cáo buộc Bắc Kinh “vũ khí hóa” đồng NDT sau khi tỷ giá vượt qua ngưỡng 7 NDT/USD.

Điều này cũng khiến chính quyền của ông gán cho Trung Quốc định danh "nước thao túng tiền tệ" và có thể cho phép Washington kích hoạt các biện pháp trả đũa “mạnh tay” hơn.

Trong một báo cáo gửi tới khách hàng, các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho rằng Trung Quốc “có vẻ sẽ không chịu khuất phục trước áp lực kinh tế ngày càng gia tăng từ Mỹ.

Song các chuyên gia cũng nhận định dù đồng NDT yếu hơn sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đối phó với các mức thuế quan tăng vọt của Mỹ, nó cũng sẽ tổn thương nền kinh tế châu Á bằng cách khiến các nhà phát triển và đầu tư bất động sản khác phải trả khoản nợ nước ngoài lên tới hàng tỷ USD.

Nếu không được quản lý đúng cách, một đợt trượt giá tiếp theo của đồng NDT cũng có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc, dẫn tới một đợt thoái vốn ồ ạt khỏi các tài sản định giá bằng đồng tiền này.

Đồng NDT trượt giá cũng làm tăng nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu bằng cách gây áp lực lên các thị trường mới nổi khác, khiến họ phải hạ giá đồng tiền của chính mình để duy trì khả năng cạnh tranh với các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

*Tại sao Trung Quốc chấp nhận rủi ro này?

Với mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ dường như trong “vòng xoáy” bất ổn không thể tránh khỏi, Bắc Kinh có thể đang tính toán rằng họ “không còn gì để mất” khi để đồng NDT “sụp đổ”.

Đầu tháng này, một báo cáo của công ty tư vấn tài chính Capital Economics nhận định Trung Quốc dường như đã quyết định rằng với triển vọng ngày càng mờ nhạt của một thỏa thuận thương mại với Mỹ, việc thúc đẩy ngành xuất khẩu của Trung Quốc thông qua sự mất giá của đồng NDT là đáng giá dù nước này sẽ phải hứng chịu những cơn thịnh nộ từ ông Trump.

Trung Quốc cũng sử dụng một lượng lớn trong kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của họ để hỗ trợ đồng NDT nhằm chống lại các cáo buộc của Mỹ rằng đồng tiền này yếu một cách “giả tạo”.

Trong tình hình hiện tại, bằng cách kiềm chế bán ra ngoại tệ và để đồng NDT biến động phù hợp với áp lực đi xuống từ thị trường, Trung Quốc có thể bảo vệ kho dự trữ ngoại hối của mình.

*Khi nào sự tuột dốc của đồng NDT chấm dứt?

Một khi giải pháp cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa xuất hiện, các nhà phân tích dự đoán đồng NDT sẽ tiếp tục yếu đi khi Trung Quốc tiếp tục tận dụng điều này cùng các biện pháp kích thích trong nước để vượt qua những “cơn lốc” thương mại.

Ngân hàng UBS dự đoán đồng NDT có thể giảm xuống còn 7,2 NDT/USD vào cuối năm nay và xuống còn 7,3 NDT/USD vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, Capital Economics dự đoán đồng tiền này sẽ xuống mức 7,3 NDT/USD vào cuối năm 2019 và 7,5 NDT/USD vào năm tới.

H.Thủy