|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tài sản của các ông lớn bất động sản thay đổi ra sao trong 10 năm qua?

18:50 | 02/09/2020
Chia sẻ
Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của của nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã gấp hơn 7 lần so với cuối năm 2010. Tuy nhiên, quãng thời gian 10 năm qua cũng cho thấy, không phải doanh nghiệp có tài sản lớn là mạnh và hiệu quả.

Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua các giai đoạn suy thoái, trầm lắng đến phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Trong khoảng thời gian này, qui mô tài sản của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết không ngừng được mở rộng. Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của nhóm này gấp hơn 7 lần so với cuối năm 2010.

[Video] Những doanh nghiệp bất động sản niêm yết dẫn đầu qui mô tài sản 10 năm qua - Ảnh 1.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết 2010-6T/2020 (Đvt: Tỉ đồng). (Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp từ dữ liệu của Fiin Group, số liệu tại ngày 30/6/2020 chưa soát xét).

Từ thời điểm thị trường suy thoái vào năm 2010, Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) đã luôn giữ vị thế dẫn đầu về giá trị tài sản cho đến nay, khởi đầu từ vài chục nghìn tỉ đồng ở đầu thập kỉ lên hàng trăm nghìn tỉ đồng vào cuối quí II/2020.

Cùng thời điểm, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) hay CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) đều là những doanh nghiệp lớn, tổng tài sản trên dưới 10.000 tỉ đồng. 

Dù chỉ mới niêm yết vào năm 2018 nhưng thực tế tài sản của CTCP Vinhomes (Mã: VHM), công ty con của Vingroup đã liên tục vươn lên và chính thức xếp vị trí thứ 2 sau công ty mẹ vào năm 2012.

Vinhomes được biết đến là nhà phát triển khu đô thị cao cấp với đa dạng các loại hình căn hộ, biệt thự và nhà phố thương mại. Số căn hộ bán ra trong 5 năm gần đây trên dưới 10.000 căn mỗi năm và doanh số 12.000-40.000 tỉ đồng trong giai đoạn này.

Tương tự Vinhomes, sự xuất hiện của CTCP Vincom Retail (Mã: VRE), cũng là công ty con của Vingroup, đã làm thay đổi trật tự một lần nữa. Cuối năm 2013, VRE có tổng tài sản trên 30.000 tỉ đồng, soán luôn vị trí của Vinhomes.

Năm 2014, thị trường bước vào thời kì bùng nổ các phân khúc cao cấp và nghỉ dưỡng. Trong đó, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Mã: NVL) là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu với tài sản hơn 20.000 tỉ đồng.

Sau đó, thị trường cũng bắt đầu đón nhận những doanh nghiệp như Khang Điền (Mã: KDH), FLC Group (Mã: FLC) hay gần nhất là Đất Xanh (Mã: DXG), Phát Đạt (Mã: PDR).

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp từ dữ liệu của Fiin Group, số liệu tại ngày 30/6/2020 chưa soát xét).

Có thể thấy, vị thế của các doanh nghiệp bất động sản đã có thay đổi lớn theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, quãng thời gian 10 năm qua cũng cho thấy, không phải cứ doanh nghiệp có tài sản lớn là mạnh và hiệu quả. 

Đã không ít doanh nghiệp đánh mất vị thế vì "vung tay quá trán", dùng đòn bẫy lớn dẫn đến mất cân đối thu chi, buộc phải bán lúa non, thu hẹp qui mô để tồn tại. Cho đến nay, con số ngày xử lí tồn kho BĐS đến cuối quí II/2020 đã vọt lên đến 1.367 ngày, mức kỉ lục kể từ mức 1.008 ngày của năm 2012 là một con số đáng để suy ngẫm.

Nhiều doanh nghiệp có quĩ đất lớn nhưng "biến đất thành tiền" cũng là một câu chuyện khác hẳn, đặc biệt hơn là nhiều tài sản trên bảng cân đối của các doanh nghiệp có nguồn gốc là đất công và đang vướng pháp lí 2-3 năm nay vẫn chưa có kết quả. 

Nguyên Ngọc