|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tác giả Nobel kinh tế: Nguy cơ của tiền điện tử tương tự như cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn

14:00 | 01/02/2022
Chia sẻ
Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Paul Krugman ví thị trường tiền điện tử với sự sụp đổ của cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn và cảnh báo rằng các cơ quan quản lý đang mắc phải sai lầm tương tự quá khứ.

Tác giả giải Nobel kinh tế Paul Krugman nhận thấy sự tương đồng giữa thị trường tiền điện tử và sự sụp đổ nợ dưới chuẩn, theo Bitcoin News.

Ông nhấn mạnh: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rủi ro của tiền điện tử đang được đánh giá thấp một cách bất thường, nhất là đối với những người không biết họ đang tham gia vào lĩnh vực gì và những nhà đầu tư như vậy cũng có vị trí bất lợi, khó có thể xử lý được nhược điểm".

Mối tương quan giữa nguy cơ thị trường tiền điện tử và cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn

Cụ thể, nhà kinh tế học Paul Krugman đã cảnh báo về việc đầu tư tiền điện tử trong một bài báo mà ông đứng tên, đăng trên The New York Times xuất bản cuối tuần qua. 

Ông Krugman đã giành được Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vào năm 2008 "cho việc phân tích các mô hình thương mại và vị trí của hoạt động kinh tế", trang web của Giải Nobel cho biết. 

Vì vậy, những quan điểm của ông được cho là khá chính xác khi đánh giá tổng quan về các thị trường và mô hình thương mại.

Tác giả Nobel kinh tế: Thị trường tiền điện tử tương tự như cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn - Ảnh 1.

Bitcoin có biến động giá lớn và nhiều nguy cơ cho nhà đầu tư. (Nguồn: Global Times).

Mở đầu bài phân tích, ông Krugman thừa nhận rằng "tiền điện tử đã trở thành một loại tài sản khá lớn", lưu ý rằng giá trị thị trường của tất cả các loại tiền điện tử đạt gần 3 nghìn tỷ USD vào mùa thu năm ngoái. Ông bổ sung thêm về việc giá tiền điện tử hiện tại đã giảm mạnh, "xóa sổ khoảng 1,3 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường".

Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân thì ông Krugman tin rằng "tiền điện tử không đe dọa hệ thống tài chính", trích dẫn rằng "những con số không đủ lớn để làm điều đó". Đổi lại, nhà kinh tế cảnh báo về nguy cơ "Có những dư âm đáng lo ngại tương tự như cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn xảy ra vào 15 năm trước".

Trong bài báo, tác giả nói rõ: "Tôi đang thấy những điểm tương đồng khó chịu với cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn của những năm 2000… Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rủi ro của tiền điện tử đang được đánh giá thấp một cách bất thường, nhất là đối với những người không biết họ đang tham gia vào lĩnh vực gì và những nhà đầu tư như vậy cũng có vị trí bất lợi, khó có thể xử lý được nhược điểm".

Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Krugman giải thích như sau: "Các nhà đầu tư vào tiền điện tử dường như khác với nhà đầu tư vào các tài sản rủi ro khác như cổ phiếu - bao gồm cả những người da trắng giàu có, có trình độ đại học". Ông trích dẫn một cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu NORC cho biết 44% nhà đầu tư tiền điện tử là người da trắng và 55% không có bằng đại học.

Tác giả Nobel kinh tế: Thị trường tiền điện tử tương tự như cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn - Ảnh 2.

Đầu tư bitcoin, tiền điện tử khi không hiểu rõ và thiếu kiến thức sẽ tạo hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. (Nguồn: Coindoo)

Trong khi NORC nói rằng "tiền điện tử đang mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư đa dạng hơn", Krugman chỉ ra rằng "hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn cũng từng được ca ngợi tương tự… nó được ca ngợi là một cách để mở ra lợi ích của quyền sở hữu nhà cho các nhóm bị loại trừ trước đây".

"Tiền điện tử, với những biến động giá quá lớn dường như không liên quan đến các nguyên tắc kinh tế, tài chính cơ bản. Nó có mức rủi ro gần như cao nhất mà một loại tài sản có thể mắc phải", ông nói thêm.

Dù lo ngại như vậy nhưng ông Krugman cũng không ủng hộ quan điểm của những người chỉ trích tiền điện tử, cho rằng tài sản này chỉ tốt cho việc rửa tiền và trốn thuế, hoặc là bitcoin chỉ là bong bóng kinh tế. Ông khẳng định, các nhà đầu tư vẫn có thể đặt cược để "chống lại những người hoài nghi".

Mặc dù vậy, người đoạt giải Nobel cũng cảnh báo: "Điều kiện là những nhà đầu tư này phải là những người được trang bị tốt để đưa ra nhận định đó và đủ đảm bảo về tài chính để chịu thiệt hại nếu dự đoán của những người hoài nghi là đúng".

Cuối cùng, nhà kinh tế học kết luận: "Thật không may, đó không phải là những gì đang xảy ra. Và nếu bạn hỏi tôi thì có vẻ như các cơ quan quản lý đã mắc phải sai lầm tương tự như họ đã từng mắc phải đối với cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn: Họ không bảo vệ được công chúng trước các sản phẩm tài chính mà không ai hiểu, và nhiều gia đình dễ bị tổn thương có thể phải trả giá".

Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn còn được gọi là khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn của Mỹ, xảy ra trong vòng 3 năm (2007 - 2010) khi ngân hàng bán quá nhiều khoản thế chấp để người dân tham gia đầu tư chứng khoán.

Trong khi đó, các khoản vay chỉ được đảm bảo bằng thế chấp thông qua thị trường thứ cấp và kết quả là không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại Mỹ, cuộc khủng hoảng này còn được cho là góp phần tạo ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008.

Thu Phương