'Tác động của lệnh thuế của Mỹ lên thép Việt xuất xứ Đài Loan, Hàn Quốc được giảm thiểu nhờ nguồn cung thép cán nóng trong nước'
Loại thép nào bị Mỹ áp thuế?
Trao đổi nhanh với người viết qua điện thoại, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), đã xác nhận thông tin ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ về việc áp thuế 456% đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho hay thêm chỉ những sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu là thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) mới bị áp thuế.
Động thái áp thuế chống bán phá giá của Mỹ nhằm ngăn chặn tình trạng lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà nước này áp dụng đối với thép cuộn cán nóng từ các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
"Do đó, chỉ những sản phẩm thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn nào của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ các quốc gia này mới bị áp thuế.
Những sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu thép cuộn cán nóng ở trong nước hoặc các thị trường khác không năm trong danh sách bị Mỹ áp thuế thì sẽ không sao", Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại khẳng định.
Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại cho biết lệnh thuế đưa ra hôm 2/7 mới chỉ là thuế sơ bộ. Khoảng 3 đến 4 tháng nữa, Mỹ sẽ ra quyết định chính thức, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải trả mức thuế sơ bộ là 456%.
Doanh nghiệp Việt phản ứng ra sao?
Ông Dũng cho biết vụ việc này đã được Mỹ khởi xướng điều tra từ tháng 8/2018. Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho việc điều tra của Mỹ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã có những điều chỉnh trong kế hoạch kinh doanh trước lệnh điều tra này của Mỹ.
"Trước năm 2017, Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều thép cuộn cán nóng từ nước ngoài để làm nguyên liệu.
Tuy nhiên, sau năm 2017, một số nhà máy đã sản xuất được nguyên liệu này nên lượng nhập khẩu cũng giảm, qua đó tác động của biện pháp áp thuế này đã được giảm thiểu", ông Dũng cho biết.
Trao đổi với người viết, Cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa, cho biết bắt đầu từ tháng 6/2017 đến hết năm 2017, Việt Nam sản xuất gần 1,4 triệu tấn thép cuộn cán nóng. Năm 2018, sản lượng đạt 3,4 triệu tấn và dự kiến năm 2019 là 4,5 triệu tấn.
Cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa. (Ảnh: Đức Quỳnh)
Tuy nhiên, với công suất như hiện nay, ông Sưa cho biết lượng thép cuộn cán nóng mới chỉ đáp ứng được 40% đến 50% nhu cầu nội địa, phần còn lại vẫn phải nhập khẩu.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến 30/4, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,7 triệu tấn thép, tăng 13,7% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 8,1%. ASEAN chiếm tỉ trọng lớn nhất là 61,6%.
Top 10 quốc gia xuất khẩu thép của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam
Một số DN vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu thép cuộn cán nóng
Một số doanh nghiệp xác định việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu thép cuộn cán nóng và phải nhập khẩu là một trong những rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019.
Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) cho biết thép cuộn cán nóng là nguyên vật liệu chính cho quá trình sản xuất tôn thép mạ, ống thép, chiếm khoảng 80 - 90% chi phí đầu vào của Nam Kim, Báo cáo thường niên 2018 công ty cho hay.
Do đặc thù ngành thép Việt Nam, hiện nay nhờ hai dự án Formosa và Dung Quất, ngành thép trong nước đã có thể tự sản xuất được thép cuộn cán nóng, tuy nhiên sản lượng chưa đáp ứng đủ. Do đó, Nam Kim phải nhập khẩu số lượng lớn loại nguyên vật liệu này.
Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng cho biết tập đoàn nhập khẩu phần lớn thép cán nóng (nguyên liệu chính) từ nước ngoài.
Công ty Cổ phần Thép DANA - Ý cũng nhận định trong những năm gần đây, chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, các vụ điều tra, áp thuế tự vệ lên mặt hàng xuất khẩu diễn ra nhiều hơn.
Việc xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng nhanh đã khiến thép Việt bị các nước chú ý và nằm trong diện điều tra.
Thép DANA - Ý cho biết Việt Nam nhập khẩu gần 50% là thép Trung Quốc, khiến cho thép Việt bị nghi ngờ là thép Trung Quốc đội lốt thép Việt để xuất sang các nước khác cũng là nguyên nhân làm cho thép Việt đối diện với các cuộc điều tra từ quốc tế.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018, trong các sản phẩm thép chính của Việt Nam, tỉ trọng xuất khẩu thép xây dựng và ống thép chỉ ở mức 11 - 12%.
Trong khi đó, tôn mạ là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với tỷ trọng xuất khẩu lên đến 47% sản lượng tiêu thụ.
Nam Kim nhận định, với làn sóng bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng sẽ ít chịu ảnh hưởng, trong khi đó các sản xuất tôn mạ sẽ là phải chịu ảnh hưởng mạnh nhất.