Sức hút của mảng thịt heo thế nào mà nhiều ông lớn muốn nhảy vào?
Nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng tăng, nhiều ông lớn nhảy vào mảng chăn nuôi
Mới đây, ngành chăn nuôi vừa đón một tay chơi mới gia nhập thị trường là Thaigroup, công ty con của Thaiholdings (Mã: THD).
Báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2022 của Thaiholdings cho biết Tập đoàn Thaigroup đã rót 600 tỷ đồng cùng với CTCP Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và Xuân Thiện Thanh Hóa 3 lập dự án chăn nuôi heo và sản xuất heo giống. Với khoản đầu tư này, THD sẽ nhận 60% lợi nhuận từ dự án.
Như vậy, Thaiholdings đã chính thức trở thành tân binh trong mảng chăn nuôi heo sau các ông lớn như Dabaco, Masan, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai...
Không chỉ ở chăn nuôi, mảng phân phối thịt heo thêm sôi động khi mới đây, một cái tên cũng rất quen thuộc trong ngành nông nghiệp là Hoàng Anh Gia Lai ra mắt chuỗi cửa Bapi.
Công ty đang đẩy mạnh mô hình "heo ăn chuối" và phân phối thịt thông qua hệ thống cửa hàng Bapi. HAGL đặt mục tiêu mở 1.000 cửa hàng vào cuối năm sau. Tuy nhiên, ở mảng giết thịt, công ty vẫn chưa thể chủ động mà phải thuê gia công bên ngoài.
Còn ở mảng chăn nuôi, công ty mục tiêu mở rộng công suất lên đến 1 triệu con sang năm 2023, trước mắt tiêu thụ chính vẫn là heo hơi.
Sự gia tăng của các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, phân phối thịt heo khiến nhiều người đặt câu hỏi mảng thịt có gì hấp dẫn mà thu hút nhiều ông lớn đến vậy?
Thực tế, thịt heo chiếm khoảng 65 – 70% trong rổ thực phẩm của người Việt. Nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng tăng đang mở ra cơ hội kiếm bộn tiền cho các ông lớn ngành chăn nuôi.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng Việt Nam có khả năng vươn lên vị trí thứ hai châu Á về tiêu thụ thịt heo vào năm 2022, chỉ sau Trung Quốc.
Sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2021 đạt gần 4,2 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng lên 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030. Với đà tăng trưởng này, mảng thịt heo ở Việt Nam được coi là "mảnh đất màu mỡ" cho các doanh nghiệp lớn.
Đánh giá về tiềm năng mảng này, Masan MEATLife ước tính thị trường thịt heo trong nước có quy mô khoảng 15 tỷ USD, trong đó riêng thị trường thịt mát chiếm hơn 10 tỷ USD, cao nhất trong các nhóm sản phẩm ngành F&B.
Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, hơn 90% sản phẩm thịt heo trên thị trường nội địa chưa được chuẩn hóa và không có thương hiệu.
“Người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc. Điều này tạo điều kiện cho thương hiệu thịt sạch có tiềm năng tăng trưởng”, Masan MEATLife nhận định.
Trao đổi với người viết, bà Rungphech Chitanuwat Rose, Giám đốc khu vực ASEAN Tập đoàn Informa Markets cho rằng người tiêu dùng ngày càng thông thái, họ muốn biết nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nếu quy trình sản xuất không an toàn, họ sẽ không mua. Đó là quá trình chuyển đổi và hội nhập.
“Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi và các công ty lớn nhìn thấy cơ hội trong đó. Họ đầu tư vào mảng thịt, sản xuất theo hướng hiện đại hơn để mọi quy trình từ trang trại đến bàn ăn được chuẩn chỉnh hơn, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để có thể lấn sâu và đứng vững ở thị trường cạnh tranh này”, bà Rose cho biết.
Cũng bàn về điều này, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết nửa đầu năm 2022, tổng đàn heo của cả nước khoảng 28,2 triệu con, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng đàn heo thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi quy mô lớn đạt 6,5 triệu con, chiếm gần 23% tổng đàn.
"Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, thịt heo của 100 triệu dân cùng với 20 triệu khách du lịch ngày càng tăng. Các doanh nghiệp lớn đang tạo ra cuộc chơi mới cho ngành chăn nuôi, có thể nâng tỷ trọng nguồn cung của 16 doanh nghiệp lên 30% trong tổng đàn heo cả nước vào năm 2022", ông Trọng nói.
Xuất khẩu thịt heo phải dựa vào các doanh nghiệp lớn
Không dừng lại ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam có dư địa lớn trong xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt khi Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại.
Chia sẻ tại triển lãm và Hội thảo Vietstock 2022, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết Việt Nam đã ký kết 17 FTA, trong đó có các FTA nổi bật như CPTPP, EVFTA... Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm, trong đó có sản phẩm chăn nuôi.
Muốn tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển.
Đây là những điều kiện mà nhiều doanh nghiệp lớn đã có thể đáp ứng khi họ đã có chuỗi chăn nuôi khép từ con giống đến khâu cuối là phân phối, thậm chí là cả chế biến sản phẩm giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, vấn đề về giá bán và vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là rào cản lớn khiến thịt heo Việt Nam vẫn chưa được đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện, Việt Nam chưa có cơ sở, vùng chăn nuôi heo đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE. Các trang trại lớn, khép kín nằm xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do đó, việc kiểm soát tuyệt đối rủi ro dịch bệnh rất khó và giấc mơ xuất khẩu thịt heo càng trở nên xa vời.
Tại một hội nghị chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cho biết thời gian qua cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng bộ tiêu chuẩn về chăn nuôi nhưng cần xem những điều điều kiện này đã thực sự bám sát thực tế, đặc biệt liên quan là khoảng cách giữa các trại.
"Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không chỉ nằm ở tiêu chuẩn mà còn khâu kiểm tra chặt và liên tục. Bản thân trang trại doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống an toàn rất chặt chẽ. Nhưng trong quá trình vận hành chỉ cần anh em lơ là một chút là đã có nguy cơ rồi chứ chưa nói đến nông hộ.
Khi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh rồi thì cần cơ chế kiểm soát và tần suất xử lý vi phạm như nào để đạt được vùng an toàn sinh học là điều quan trọng không kém”, ông Khánh nói.
Vị này cho rằng về lâu dài cần có nhiều cơ chế thu hút các doanh nghiệp lớn chăn nuôi chuyên nghiệp, nâng tỷ trọng nhóm này hơn và giảm tỷ trọng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Còn theo ông Chinh, giá thịt heo ở Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác. Cụ thể, giá thịt heo ở Việt Nam khoảng 65.000 – 70.000 đồng/kg, tương đương 3 USD/kg trong khi giá heo ở Mỹ ở mức 1,1 USD/kg - con số này thậm chí còn thấp hơn cả giá thành nuôi của các nghiệp lớn (khoảng 2 USD/kg).
Sở dĩ, giá thành nuôi heo ở Việt Nam cao do nước ta phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó chi phí này chiếm tới 65 - 70% cơ cấu giá thành nuôi heo.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt này, ông Chinh cho rằng doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn, hệ thống bài bản mới có thể đáp ứng được các tiêu chí.
“Chúng tôi tin rằng với dự đầu tư bài bản của các tập đoàn như Tập đoàn như C.P Việt Nam, Dabaco… sản phẩm chăn nuôi Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu”, ông Chinh nói.
Hiện tại, Việt Nam đang xuất khẩu lợn sữa sang các thị trường châu Á phục vụ làm heo quay và chưa thể xuất khẩu thịt đông lạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết thêm trong vòng 5 năm qua, Việt Nam có 81 dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực chăn nuôi với tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, trong đó, đầu tư lớn nhất tập trung vào chuỗi chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Đơn cử trong năm 2021, ngành chăn nuôi Việt Nam chứng kiến nhiều thương vụ bạc tỷ giữa De Heus và Masan, De Heus và Hùng Nhơn... Ông Chinh cho rằng doanh nghiệp trong nước và FDI đều có những thế mạnh riêng, cái bắt tay giữa các ông lớn là xu hướng tất yếu, bổ sung và bù trừ cho nhau.
“Nếu một doanh nghiệp không đủ sức để làm tất cả các chuỗi thì có thể liên kết nhiều doanh nghiệp tạo chuỗi khép kín.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu 10.490 tấn thịt và các sản phẩm thịt, tương đương 42 triệu USD, giảm 4,5% về lượng, nhưng tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.