|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sức hút livestreamer Nguyễn Phương Hằng và cuộc soán ngôi của ngành nội dung số (*)

10:44 | 26/05/2021
Chia sẻ
Buổi livestream tối 25/5 của doanh nhân Nguyễn Phương Hằng (CEO công ty CP Đại Nam) đã thu hút tổng cộng hơn 400.000 lượt xem trực tiếp. Không chỉ phá vỡ kỷ lục của các streamer đình đám trước đây, nó còn là chỉ báo sự trỗi dậy khủng khiếp của ngành nội dung số.

Chúng tôi xin giới thiệu góc nhìn trên facebook cá nhân của Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật và các số liệu do ông tổng hợp. Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật là Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnam+, một tờ báo năng động trong chuyển đổi số và phát triển các hình thức thể hiện độc đáo.

Ngay từ năm 2019, thống kê ở Mỹ đã cho thấy nội dung video trên nền tảng số lần đầu tiên vượt số người xem TV truyền thống. Chưa có số liệu tương tự ở Việt Nam, nhưng cục diện chắc cũng không khác gì hơn.

Trong một thống kê do Hootsuite đưa ra hồi tháng 1/2021 thì xem video là hành vi phổ biến thứ 3 của người Việt khi truy cập internet, chỉ đứng sau các hoạt động nhắn tin/chat và tương tác trên mạng xã hội.

Mình nhớ vào khoảng năm 2002 gì đó, ông sếp cũ sáng đến chỗ làm tỏ ra bức xúc vì một tiểu phẩm hài trên chương trình Gặp nhau cuối tuần có nội dung tục tĩu (dĩ nhiên còn ý nhị hơn nhiều so với thời bây giờ).

Đại khái, ông bảo "truyền hình là thứ duy nhất mà cả nước xem chung", nên nếu có điều gì tai hại thì tác động của nó khủng khiếp, vượt trội mọi loại hình báo chí khác.

Hay như mươi năm trước, có lần mình nghe một anh đạo diễn bảo gameshow nào mà không lên được VTV3 thì thua. Vậy mà năm ngoái, Rap Việt thắng tuyệt đối King of Rap của VTV3, vì ngoài HTV2 thì chương trình đầu còn phát trực tiếp trên cả YouTube.

Tập 2 có lượng concurrent (CCU, người xem trực tiếp cùng lúc) là hơn 500.000, đêm chung kết là hơn 1 triệu. Nhưng con số đó vẫn chưa là gì so với trận Việt Nam gặp Curacao ở King's Cup 2019, khi CCU lên tới 1,87 triệu.

Điều đó có nghĩa là TV truyền thống không còn là vũ khí tối thượng trong truyền thông. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi màn livestream của bà Phương Hằng lấn át cả chương trình truyền hình cùng giờ tối qua.

Sức hút của livestreamer Nguyễn Phương Hằng và sự lên ngôi của nội dung số * - Ảnh 1.

Thống kê cho thấy lượng xem nội dung video và nghe nhạc trên nền tảng số đã vượt truyền hình truyền thống. Nguồn: StatistaCharts.

Nói như bà Hằng là nếu mai cả nước bật TV xem tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup thì cũng "đừng thấy hoa nở mà ngỡ mùa xuân về". Vì sự trỗi dậy của digital video content là xu thế rồi, không cưỡng lại được.

Chẳng hạn như mới đây VTV24 có một video gây sốt là phóng sự mực thối ngâm hóa chất ở chợ Long Biên. Nhưng đoạn video ấy chỉ trở nên viral khi nó được phát đi trên mọi nền tảng, từ Facebook, YouTube cho tới Tiktok.

Bởi thế, ở Hội thảo Asia Digital Media Awards cuối năm ngoái, một diễn giả có nói rằng những nền tảng kiểu như Tiktok đang khiến các cơ quan báo chí phát triển theo hướng "bớt nghiêm túc" đi, theo nghĩa là đừng cố tập trung vào những loại hình xơ cứng trước đây mà cần phát triển cả những thứ mà bạn từng cho là vớ vẩn.

10 năm trước, nhiều người đã nói Facebook và YouTube là thứ vớ vẩn như thế. Giờ chúng chiếm lần lượt là 83% và 96% thị phần quảng cáo social và OTT.

Tổng chung thị trường, hai ông lớn này chiếm hơn 70% thị phần digital ads (quảng cáo số), mà trong năm 2021 này thì quảng cáo số sẽ lần đầu tiên chiếm nửa thị phần toàn ngành - theo FIPP.

Đúng là bà Hằng đã lấp đầy cái khoảng trống thông tin mà người dân đang ưa thích. Nhưng đấy chỉ là điều kiện cần, còn thời của digital content (nội dung số), thời của livestream chính là cái đòn bẩy.

Trump trước đây là một ví dụ, không cần lên CNN khi đã có Twitter (trước khi bị khóa tài khoản).

(*) Nội dung được sử dụng theo sự đồng ý của tác giả Nguyễn Hoàng Nhật, có biên tập theo quy chuẩn văn phong của tòa soạn. Tựa do tòa soạn đặt.

Nguyễn Hoàng Nhật

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.