|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Luật sư: ‘Hoài Linh găm tiền từ thiện 6 tháng hay 6 năm vẫn không phạm pháp’

22:00 | 25/05/2021
Chia sẻ
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Hoài Linh không vi phạm pháp luật dù quá chậm phân phối khoản tiền từ thiện sau khi tiếp nhận.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin nghệ sỹ Hoài Linh bị tố "ngâm" tiền từ thiện.

Cụ thể, trong đợt lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở miền Trung vào cuối năm 2020, nghệ sĩ Hoài Linh đã đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ. Hôm 11/11/2020, Hoài Linh công bố nhận được hơn 13 tỷ đồng từ thiện và hứa đến tận nơi để giúp đỡ bà con miền Trung.

Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng, Hoài Linh không có bất kỳ động thái nào công bố về hoạt động cứu trợ đồng bào vùng lũ. Chiều 24/5, trong video gửi tới truyền thông, Hoài Linh cho hay toàn bộ số tiền quyên góp được vẫn nằm trong tài khoản riêng dành cho mục đích thiện nguyện đã lập trước đây.

Luật sư: ‘Hoài Linh găm tiền từ thiện 6 tháng hay 6 năm vẫn không phạm pháp’ - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Hoài Linh trong video hôm 24/5 trần tình vụ việc giữ hơn 13 tỷ đồng tiền quyên góp từ thiện của khán giả suốt 6 tháng. (Ảnh chụp màn hình).

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Hoài Linh không vi phạm pháp luật dù quá chậm phân phối khoản tiền từ thiện sau khi tiếp nhận.

Hiện, việc vận động, tiếp nhận và phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ. Nghị định này quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước; khắc phục hậu quả do hoả hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Như vậy phạm vi điều chỉnh của Nghị định này chỉ áp dụng với tổ chức, không đề cập đến việc cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện. Có lẽ vì trước đây cho rằng, việc cá nhân huy động chỉ là quan hệ xã hội, dân sự tự phát và nhỏ lẻ, chứ không tính đến tình huống những cá nhân có thể kêu gọi đóng góp được hàng chục, thậm chí hằng trăm tỷ của hàng vạn người.

 "Chưa có hành lang pháp lý với việc cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện. Vì vậy, ai cũng có thể huy động tiền từ thiện giá trị lớn và có thể tùy ý phân phối, sử dụng nếu không trái với mục đích đã cam kết. Do đó, Hoài Linh hoặc bất cứ cá nhân nào có thể giữ tiền từ thiện 6 tháng hay 6 năm vẫn không vi phạm pháp luật, mà chỉ chịu sự phán xét của người hâm mộ, các mạnh thường quân đã gửi gắm và dư luận. 

Tất nhiên trong quá trình một cá nhân tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện, nếu xảy ra hành vi gian dối, lợi dụng tư lợi, thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí là tội hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do trường hợp này, toàn bộ số tiền từ thiện vẫn còn nguyên trong tài khoản, nên cũng chưa nên đặt ra vấn đề gì về pháp luật" -  Luật sư Trương Thanh Đức nói thêm.

Cũng liên quan đến câu chuyện cá nhân đứng ra huy động khoản thiện nguyện, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để trình Chính phủ trong vài ngày tới.

Đáng chú ý trong dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục thiên tai, dịch bệnh.

Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ quy định rõ về tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ và các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ.

Nghị định cũng quy định thời gian tổ chức vận động đóng góp:

- Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động đóng góp;

- Thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp huyện và các tổ chức, đơn vị khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kéo dài không quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu cuộc vận động đóng góp.

Nghị định nêu rõ thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp.

Nghị định nêu rõ ba hành vi bị nghiêm cấm gồm:

- Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.

- Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.

- Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Anh Đào

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.