|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự tỉnh táo của doanh nhân khi tuyển người thân, bạn bè vào công ty

05:17 | 03/09/2018
Chia sẻ
Không trực tiếp xuất hiện trong quá trình tuyển dụng, không đặc cách là những việc mà nhiều doanh nhân thực hiện khi ứng cử viên xin việc là bạn bè, người thân.

Khi Hà Xuân Thao, giám đốc một công ty nội thất ở TP Hồ Chí Minh, cần tuyển trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, hàng loạt nhân viên và người quen giới thiệu ứng cử viên cho anh. Trong số ứng cử viên, vài người là bạn của Thao.

"Một ứng cử viên là bạn mà tôi quen trong câu lạc bộ tiếng Anh từ thời sinh viên, còn một người là bạn cùng quê. Nhưng tôi quyết định phỏng vấn những người lạ trước, vì sợ rằng sự nể nang và cảm xúc sẽ chi phối khi tôi phỏng vấn những người bạn", Thao tâm sự.

Câu chuyện của Thao không hề hiếm. Trong rất nhiều trường hợp, doanh nhân muốn đưa bạn bè vào trong công ty, đặc biệt là khi công ty đang tăng trưởng nhanh. Nhưng trong những trường hợp như vậy, nhiều người không để tình cảm chi phối quyết định.

"Nguyên tắc của tôi là cuộc sống cá nhân và công việc phải tách biệt hoàn toàn. Lý trí không nên chịu tác động của cảm xúc", anh Thao nhấn mạnh.

su tinh tao cua doanh nhan khi tuyen ban be vao cong ty
Doanh nhân có thể vừa mất quan hệ tốt, vừa hứng chịu hậu quả xấu trong kinh doanh nếu tuyển những người bạn, người thân không phù hợp với công ty.

Phan Trọng Điền, giám đốc một công ty phân phối dầu nhớt ở Hà Nội, từng trả giá đắt vì tuyển bạn vào công ty. Hai năm trước, anh giao vị trí trưởng phòng kinh doanh cho một người bạn cùng xã ở quê. Vì hệ thống khách hàng của công ty đã ổn định nên Điền cho rằng bạn của anh không cần có năng lực xuất sắc, mà chỉ cần chăm sóc tốt những khách hàng cũ. Nhưng trên thực tế, người bạn không chỉ kém về quan hệ với khách hàng, mà còn cư xử không hợp lý với những nhân viên trong bộ phận kinh doanh. Hậu quả là công ty mất dần khách hàng cũ và nhiều nhân viên kinh doanh giỏi cũng ra đi. Đến khi Điền phát hiện tình trạng ấy, doanh thu của công ty giảm gần một nửa. Anh nói chuyện thẳng thắn với người bạn trước khi cách chức.

"Sau vụ đó, tôi mất hơn một năm để khôi phục doanh thu và tuyển thêm nhân viên bán hàng giỏi. Song điều khiến tôi đau xót hơn là quan hệ giữa tôi với người bạn kia trở nên xa cách hơn nhiều", Điền kể.

Dương Minh Hiệp, giám đốc một công ty phân phối văn phòng phẩm ở TP Hồ Chí Minh, khẳng định anh chưa bao giờ đặc cách cho người thân, bạn bè trong quá trình tuyển dụng.

"Công ty tôi từng tuyển hai người họ hàng và một người bạn của tôi. Nhưng trong quá trình tuyển dụng, tôi không trực tiếp xuất hiện. Phòng nhân sự của công ty không bỏ qua bất kỳ khâu nào trong quy trình tuyển dụng. Tôi chỉ đạo họ cố gắng hết sức để xác định những người thân, người quen của tôi có phù hợp với công ty hay không", Hiệp nói.

Vị giám đốc nói thêm rằng anh tỏ ra cẩn thận hơn khi tuyển người thân, bạn bè, vì anh không muốn nhân viên nghĩ rằng họ sẽ hưởng sự ưu ái từ "sếp".

"Dù ứng viên là bạn bè hay người dưng, họ đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn mà công ty để ra đối với vị trí mà chúng tôi tuyển dụng" anh khẳng định.

Tính nguyên tắc trong tuyển dụng nhân sự đôi khi khiến doanh nhân trả giá trong cuộc sống cá nhân. Nguyễn Đình Thực, giám đốc một công ty công nghệ ở Hà Nội, kể rằng anh từng mất mối tình chớm nở vì không tuyển em trai của người yêu vào công ty.

"Ba năm trước tôi yêu một cô gái đã đi làm. Khi biết tôi cần tuyển một kỹ sư công nghệ thông tin, người yêu đề nghị tôi tuyển em trai cô ấy. Đó là một thanh niên được nuông chiều từ nhỏ, học kém, từng vào một số công ty nhưng không thể đáp ứng yêu cầu. Tôi đã cố gắng tạo điều kiện để cậu ta có thể hòa nhập với công ty bằng cách yêu cầu cậu ta thực tập 3 tháng dưới sự kèm cặp của hai kỹ sư giỏi, nhưng cậu ta không thể làm được việc. Vì thế tôi buộc phải từ chối cậu ta. Sau đó, người yêu tỏ ra không hài lòng. Mối quan hệ của chúng tôi xấu dần rồi tan vỡ", Thực kể.

Khi quyết định không nhận bạn bè, người thân, doanh nhân phải đối mặt với tình thế khó xử: Nói "Không" thế nào?.

"Sự thật luôn gây mất lòng. Tôi luôn phải chuẩn bị rất lâu trước khi nói với người thân, bạn bè rằng công ty không thể tuyển họ vì khọ không phù hợp", Cấn Trọng Hiếu, giám đốc một công ty sản xuất đồ chơi, thổ lộ.

Mai Thị Ngọc, người sáng lập một công ty thời trang ở TP Hồ Chí Minh, vẫn nhớ như in khuôn mặt của cô bạn thời đại học khi chị nói rằng người ấy không nên vào công ty của cô.

"Suốt thời gian chơi với nhau, tôi chưa từ chối cô ấy bất kỳ điều gì. Đôi mắt cô ấy thể hiện sự ngạc nhiên tột độ. Tôi sẽ không bao giờ quên đôi mắt của bạn lúc ấy", Ngọc nói.

Nữ giám đốc kể rằng sau đó cô cũng tuyển một số bạn bè, người thân vào công ty, nhưng đối xử với họ giống như mọi nhân viên khác.

"Tôi có thể dự sinh nhật bạn bè hôm nay, nhưng vẫn ra quyết định cảnh cáo họ vào ngày mai nếu họ vi phạm quy định của công ty. Nếu họ kỳ vọng rằng tôi sẽ đối xử đặc biệt, hoặc họ có thể tận dụng mối quan hệ cá nhân giữa tôi và họ để thực hiện những việc trái nguyên tắc hoặc vi phạm đạo đức, tổn thất mà công ty hứng chịu sẽ rất lớn", Ngọc bình luận.

Xem thêm

Luân Thường