|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự thay đổi của Silvergate: Từ một nhà băng địa phương bé nhỏ trở thành 'sân sau' của các công ty tiền mã hoá

08:31 | 13/12/2022
Chia sẻ
Silvergate chính là ngân hàng đứng sau dòng tiền của các công ty tiền mã hoá nổi tiếng như FTX.

Từ một ngân hàng nhỏ chuyên phục vụ các khoản vay bất động sản, Silvergate "đổi đời" nhờ tiền số. (Ảnh: FT).

“Cuộc đời của một công ty tiền mã hoá có thể chia ra làm hai phần: trước khi có Silvergate và sau khi có Silvergate”, Sam Bankman-Fried viết trong một chia sẻ được đăng trên website của nhà băng có trụ sở tại San Diego này. Silvergate là ngân hàng Sam Bankman-Fried từng dùng để chuyển tiền của khách hàng sang sàn giao dịch tiền mã hoá FTX.

“Thật khó để phóng đại mức độ cách mạng hoá hoạt động ngân hàng dành cho các công ty blockchain”, Sam Bankman-Fried chia sẻ thêm.

Trong suốt 30 năm hoạt động, Silvergate là một ngân hàng cộng đồng nhỏ chuyên tập trung cho vay bất động sản nhỏ với 3 chi nhánh ở miền nam California cùng tổng tài sản chưa tới 1 tỷ USD.

Thế nhưng vào năm 2019, nó nhanh chóng trở thành ngân hàng tiền mã hoá lớn nhất ở Mỹ với 1.600 đơn vị “đào” tiền số, sàn giao dịch và đơn vị lưu ký tiền mã hoá lớn nhất thế giới dùng nó để nộp tiền. Silvergate thực hiện chuyển nhiều tỷ USD mỗi tháng.

Tiền gửi của Silvergate tăng từ gần 2 tỷ USD vào năm 2020 lên tới hơn 10 tỷ USD vào năm 2021. Tới năm nay, tổng tài sản của ngân hàng vượt mốc 16 tỷ USD. Chưa đầy 10 tháng sau khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào cuối năm 2019 với giá cổ phiếu 12 USD, giá cổ phiếu của Silvergate tăng mạnh lên mốc hơn 200 USD.

“Đây là một ngân hàng cho vay bất động sản nhỏ đặt cược tất cả mọi thứ vào tiền mã hoá”, một cựu nhân viên chia sẻ. “Điều này thực sự lạ lùng”.

Hành trình như một chuyến đi tàu lượn của Silvergate đột ngột dừng lại vào tuần trước khi Silvergate vướng vào cuộc điều tra của giới chức Mỹ trong vụ sàn giao dịch FTX bị cáo buộc sử dụng thiếu hợp pháp tiền gửi của khách hàng.

Silvergate “dường như là trung tâm” của cách tiền di chuyển trong đế chế tiền mã hoá của Sam Bankman-Fried, theo một lá thư mà Thượng viện Mỹ gửi tới ông Alan Lane, CEO của Silvergate. Lá thư đồng thời nêu rõ việc Silvergate không thể phát hiện các “cơ chế” như vậy cho thấy nó có thể đang vi phạm các quy định liên quan đến phòng chống rửa tiền.

Tuần trước, ông Lane cố gắng giải quyết các quan ngại của thị trường về mối liên hệ của Silvergate và FTX. Ông cho rằng giới bán khống đã cố gắng lan truyền các thông tin sai lệch về nhà băng này. Ông Lane khẳng định Silvergate đã thực hiện thẩm định đầy đủ đối với FTX và các pháp nhân liên quan đến nó.

Silvergate đã âm thầm gỡ bỏ phần nội dung ca ngợi Bankman-Fried trên website của mình cùng. Sự sụp đổ của FTX đã xoá sổ 2 trong số các khách hàng lớn nhất của Silvergate: khoảng 10% tổng tài sản của Silvergate thuộc về FTX và các khách hàng của sàn giao dịch này, vốn bao gồm công ty cho vay tiền mã hoá BlockFi (cũng đã đệ đơn phá sản). FTX và “các pháp nhân liên quan” có khoảng 20 tài khoản khác nhau tại Silvergate.

Silvergate có thời hạn đến ngày 19/12 để phản hồi lại lá thư của Thượng viện Mỹ cùng với đó cung cấp “hồ sơ kế toán toàn diện về mối quan hệ của nó với FTX”.

Lane, vị lãnh đạo 60 tuổi, là bộ não thiên tài đứng sau cuộc chuyển đổi chiến lược đáng chú ý của Silvergate trong vài năm qua.

Được những người đồng sáng lập Silvergate là Dennis Frank và Derek Eisele chiêu mộ vào năm 2008 khi Silvergate đang chìm trong khó khăn, Lane lên kế hoạch biến nó thành một ngân hàng thương mại toàn diện. Trước đó, Lane đã có nhiều kinh nghiệm tại các ngân hàng địa phương nhỏ.

Cuối năm 2013, Lane bắt đầu bị tiền mã hoá thu hút sự chú ý. Bitcoin, khi đó mới là một công nghệ 4 năm tuổi, vừa có một năm kỷ lục khi giá trị tăng 7.000% để lần đầu chạm mốc 1.000 USD. Tiền mã hoá bắt đầu dần được nhiều người biết đến hơn.

“Chúng tôi cần tiền gửi và Alan nhận thấy các công ty như Coinbase bắt đầu bị đuổi ra khỏi các ngân hàng”, Ben Reynolds, chủ tịch Silvergate được Lane lựa chọn vào năm 2016 để thúc đẩy chiến lược liên quan đến tiền mã hoá. “Ý tưởng đơn giản là nếu chúng tôi có thể phục vụ Coinbase, chúng tôi sẽ có tiền gửi. Alan tìm đến FED và nói rằng chúng tôi muốn cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản cho các công ty tiền mã hoá và được chấp thuận”.

Lo lắng về khả năng tiền mã hoá được dùng cho các mục đích phi pháp, nhiều ngân hàng lớn từ chối phục vụ các sàn giao dịch tiền mã hoá và chặn khách hàng chuyển tiền để mua tiền mã hoá. Các ngân hàng truyền thống cũng không được sinh ra để phục vụ các nhà đầu tư tiền số bởi họ muốn chuyển được tiền vào cả cuối tuần.

Lane và Reynolds nhận ra khoảng trống này và muốn nắm bắt cơ hội. “Những người sáng lập Silvergate chỉ có kinh nghiệm ở mảng bất động sản nhưng họ thích sự thay đổi này vì nó mang lại tiền”, nguồn tin nội bộ nói.

Trong 6 năm tiếp theo, Lane và Reynolds bán mảng ngân hàng doanh nghiệp của Silvergate và dần giảm quy mô mảng kinh doanh bất động sản. Số lượng khách hàng tiền số của nó tăng từ 20 công ty vào năm 2016 lên đến con số hơn 1.000. Ban quản trị của Silvergate bắt đầu tìm đến các phương án rủi ro hơn để cải thiện kết qủa kinh doanh như như ra mắt một đồng stablecoin và tái cấu trúc các khoản nợ dựa trên tiền mã hoá.

Năm 2017, Silvergate ra mắt Silvergate Exchange Network (SEN), nền tảng cho phép các nhà đầu tư tiền mã hoá chuyển USD từ tài khoản ngân hàng sang một sàn giao dịch mã hoá ngay lập tức và hoạt động 24/7, miễn là cả sàn giao dịch và nhà đầu tư đều là khách hàng của Silvergate.

Tháng 3 năm nay, Silvergate gây bất ngờ với khoản vay 200 triệu USD với tài sản đảm bảo là bitcoin cho một công ty của tỷ phú tiền số Mỹ Michael Saylor.

Chiến lược của Silvergate đầy rẫy rủi ro. Silvergate đã tuyển dụng số lượng nhân sự mảng tuân thủ nhiều gấp đôi so với những ngân hàng cùng quy mô. Thông thường, 6 tháng là khoảng thời gian để một sàn giao dịch mã hoá mới có thể mở tài khoản tại Silvergate.

“Rủi ro chính là khâu tìm hiểu khách hàng (KYC) và phòng chống rửa tiền và những rủi ro này đã được xem xét nghiêm túc từ năm 2014” khi Silvergate có khách hàng đầu tiên”, nguồn tin nói. Tháng 6/2021, Silvergate ngừng quan hệ với Binance, sàn giao dịch mã hoá lớn nhất thế giới, không đưa ra lý do.

Lúc này, sau sự sụp đổ của FTX, Silvergate đang đối mặt với nhiều yếu tố bất định ở mảng tiền gửi số (vốn sụt giảm 60% trong quý III năm nay), đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng từ FTX có thể lan rộng ra cả ngành công nghiệp tiền số, theo Morgan Stanley

Nam Khánh