|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sự mạnh bạo của Trung Quốc khiến bạn bè quốc tế phải dè chừng

16:36 | 07/08/2020
Chia sẻ
Nhiều nước phương Tây từng rất hồ hởi với Trung Quốc đã đảo ngược thái độ khi chứng kiến cách Bắc Kinh xử lí các vấn đề đối nội và đối ngoại. Những đối tác của Trung Quốc như Nga, Iran và Kazakhstan cũng ngày càng lo ngại trước sự thay đổi trong cách hành xử của Bắc Kinh.
Sự quyết đoán của Trung Quốc khiến bạn bè quốc tế phải dè chừng - Ảnh 1.

1 binh sĩ Trung Quốc đứng gác tại quảng trường ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Trong số các vụ bắt giữ những người bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc, có một trường hợp nổi bật hơn tất cả. Nguyên nhân là vì vụ này không liên quan tới Mỹ hay một đối thủ khác của Trung Quốc mà lại bắt nguồn từ Nga. Cơ quan an ninh Nga buộc tội nhà khoa học nổi tiếng của nước này bán dữ liệu bí mật về công nghệ phát hiện tàu ngầm.

Trong khi đó, một tòa án tại Kazakhstan hồi tháng 10/2019 đã kết án một chuyên gia về Trung Quốc về tội làm gián điệp. Nhiều người nhìn nhận là đây là lời cảnh báo của Kazakhstan đến người hàng xóm quyền lực: đừng tiếp tục quấy rầy đất nước chúng tôi.

Cả hai người đàn ông ở Nga và Kazakhstan đều khẳng định mình vô tội. Tuy nhiên, việc cả hai vụ xét xử đều được công khai rộng rãi cho thấy rằng Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại ngay cả với những quốc gia bạn bè.  

Các nước như Nga, Iran và Kazakhstan vẫn cần các khoản đầu tư, thương mại và đôi khi là cả hỗ trợ ngoại giao từ Trung Quốc, đồng thời duy trì phần nào sự độc lập kinh tế và theo đuổi mục tiêu ngoại giao đôi khi mâu thuẫn với Bắc Kinh.

Sự quyết đoán của Trung Quốc khiến bạn bè quốc tế phải dè chừng - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Images

Ông James Dorsey, học giả cấp cao tại Đại học Nanyang Technological của Singapore cho biết: "Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các đối tác rất mong manh. Những nước này đặc biệt giỏi trong việc tìm ra điểm chung và xử lí sự khác biệt, nhưng cũng rất cơ hội".

Phần lớn sự tập trung đổ dồn vào những đối tác kinh tế phương Tây – từ Mỹ cho đến châu Âu rồi khu vực châu Đại Dương. Những nước từng rất nhiệt tình với Trung Quốc dần trở nên lạnh nhạt và ngày càng cảnh giác với cách xử lí mạnh tay của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với COVID-19, chính sách ngoại giao chiến lang và phản ứng của Bắc Kinh với phong trào dân chủ ở Hong Kong.

Gần đây, Anh đã hủy bỏ quyết định cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G của nước này, ngừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Pháp và Đức cũng thắt chặt quản lí các khoản đầu tư nước ngoài – đặc biệt là từ Trung Quốc – tại châu Âu. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố Trung Quốc là "đối thủ mang tính hệ thống".

Các đối tác chiến lược của Trung Quốc không có những phản ứng tương tự. Nga đang làm việc với Huawei để triển khai mạng 5G. Iran cố gắng chốt thỏa thuận đầu tư 400 tỉ USD từ Trung Quốc, cũng như hoàn tất các thương vụ bán vũ khí đổi lấy dầu giá rẻ.

Nhà nghiên cứu cấp cao Vasily Kashin tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết bản thân Nga không cảm thấy bị đe dọa, vì hiện nay Trung Quốc khó có thể xa lánh người láng giềng có sức mạnh quân sự và nguồn lực to lớn đến vậy.

Tuy nhiên, "Chính phủ Nga và các chuyên gia dĩ nhiên đã để ý đến sự thay đổi đáng kể trong ngoại giao và thái độ của Trung Quốc, vốn đã tăng tốc trong vài tháng qua và đặc biệt là trong khủng hoảng COVID-19".

Ông Kashin nói thêm rằng sự liều lĩnh của Trung Quốc có khả năng sẽ gây ra vấn đề trong mối quan hệ của Nga với các nước thứ ba.

Ví dụ, cuộc xung đột đẫm máu tại biên giới Ấn Độ và Trung Quốc trong tháng 6 đã khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ lại là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga.

Sự quyết đoán của Trung Quốc khiến bạn bè quốc tế phải dè chừng - Ảnh 3.

Bệ phóng tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Ảnh: AFP

Xung đột Ấn-Trung đẩy Nga vào thế khó xử. Nga đứng ra tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa ba ngoại trưởng nhằm giảm căng thẳng giữa hai nước. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ bay đến Moscow để thúc đẩy việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá 5 tỉ USD.

Nga cũng bị đẩy vào tình thế tế nhị khi Trung Quốc đưa ra các yêu sách đối với Biển Đông, do Việt Nam là đối tác an ninh lâu dài của Nga.

Ít có dấu hiệu nào cho thấy những căng thẳng trên làm xấu đi quan hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Alexander Lukin, người đứng đầu khoa quốc tế Trường Đại học Kinh tế ở Moscow cho biết hai vị nguyên thủ thấu hiểu lẫn nhau về quyền tự do hành động với các nước thứ ba.

"Nhưng dĩ nhiên nếu căng thẳng leo thang thành đụng độ nghiêm trọng, điều đó sẽ không có lợi cho Nga, buộc Nga phải đưa ra lựa chọn", ông Lukin nói thêm.

Sự quyết đoán của Trung Quốc khiến bạn bè quốc tế phải dè chừng - Ảnh 4.

Người Ấn Độ biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi. Ảnh: Bloomberg

Thỏa thuận chưa được công bố giữa Trung Quốc và Iran đã châm ngòi cho các cuộc tranh luận nảy lửa tại Tehran. Phe chỉ trích - bao gồm cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad - cáo buộc chính phủ Iran đang bán rẻ chủ quyền của đất nước. Ngoài ra, kinh nghiệm trong quá khứ chỉ ra rằng khoản đầu tư thực sự của Trung Quốc sẽ thấp hơn nhiều con số nước này cam kết.

Trung Quốc thường miêu tả Kazakhstan là "cái khóa" của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, chính phủ Kazakhstan lại thấy rằng họ đang phải nếm trái đắng từ chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc.

Căng thẳng giữa hai nước gia tăng từ năm ngoái khi Trung Quốc cho rằng Kazakhstan đang che chở một số người Hồi giáo tị nạn từ trại cải tạo ở Tân Cương. Sau đó Kazakhstan đã bắt giữ và bỏ tù Konstantin Syroyezhkin, chuyên gia về Trung Quốc bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh.  

Ông Parag Khanna, chuyên gia về quan hệ quốc tế kết luận: "Tuy là đối tác, nhưng những quốc gia này cũng theo đuổi lợi ích của riêng mình. Mọi chuyện đều có vẻ ổn định cho đến khi bất đồng nổ ra".

Giang