|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 5/7 - 9/7: Hai ngân hàng trung ương quyền lực công bố biên bản cuộc họp

06:36 | 05/07/2021
Chia sẻ
Tuần này, nhà đầu tư ngoại hối có thể theo dõi biên bản cuộc họp của hai ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, bên cạnh số liệu lạm phát của Trung Quốc.

Theo Investing.com, thời điểm sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm thường là một trong các tuần ít có sự kiện kinh tế nhất trong tháng. Hơn nữa, người dân Mỹ còn đang bước vào kỳ nghỉ Quốc khánh.

Dù vậy, biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần có thể cung cấp cho nhà đầu tư một góc nhìn về các cuộc thảo luận của giới hoạch định chính sách sau động thái mới hồi cuối tháng trước.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp mới nhất, trong khi Trung Quốc sẽ phát hành số liệu lạm phát mà thị trường tài chính đang rất mong chờ.

Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này:

1. Biên bản của Fed

Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed sẽ được công bố vào ngày 7/7. Hồi cuối tháng 6, các quan chức Fed đã bắt đầu thảo luận đến khả năng thu hẹp quy mô chương trình thu mua trái phiếu và báo hiệu ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch.

Biên bản này được công bố không lâu sau báo cáo việc làm tháng 6. Thị trường lao động Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm nhất trong 10 tháng qua vào tháng 6, cho thấy nền kinh tế đã khép lại quý II với đà phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ đang dần mở cửa trở lại.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 5/7 - 9/7: Hai ngân hàng trung ương quyền lực công bố biên bản cuộc họp - Ảnh 1.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell (phải). (Ảnh: Getty Images).

Dữ liệu việc làm khả quan càng khiến nhà đầu tư lo ngại rằng sự khởi sắc của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng tiền lương ổn định có thể thúc đẩy Fed siết chặt chính sách sớm hơn dự kiến.

Triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế có thể sẽ đè nặng lên các nhà hoạch định chính sách tại cuộc họp tháng 7 của Fed, cũng như trước cuộc họp thường niên ở Jackson Hole, Wyoming vào tháng 8.

2. Lĩnh vực dịch vụ ở Mỹ tăng tốc

Chỉ số của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) về hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ sẽ được công bố vào ngày 6/7, theo Investing.com.

Các chuyên gia dự đoán chỉ số trên sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sau khi đạt đỉnh vào tháng 5, khi mà chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đang hỗ trợ chính phủ Mỹ khôi phục hoạt động kinh tế.

Song, bản báo cáo cũng có thể chỉ ra những hạn chế trên thị trường lao động, khi hoạt động tuyển dụng tiếp tục bị gián đoạn, buộc nhiều công ty phải đưa ra mức lương cao hơn để thu hút nhân viên.

Tuần này, nhà đầu tư còn có thể theo dõi thêm số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp sơ bộ tuần vào ngày 8/7. Báo cáo tuần trước cho thấy số đơn xin trợ cấp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, thời điểm mà các địa phương phải ban bố lệnh phong tỏa để dập dịch COVID-19.

3. Biên bản của ECB

ECB sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 6 vào ngày 8/7. Các nhà đầu tư quan tâm đến ECB cũng có thể quan tâm thêm một số cuộc họp sẽ diễn ra vào tuần này, đây là các sự kiện có liên quan đến quá trình đánh giá chiến lược chính sách tiền tệ của ECB.

Theo dự báo của các chuyên gia, ECB đang muốn điều chỉnh mục tiêu lạm phát và hoàn thành việc đánh giá chiến lược tiền tệ vào tháng 9 năm nay.

Giữa tuần, cụ thể là ngày 7/7, Đức - nền kinh tế chủ chốt của khu vực đồng euro, sẽ phát hành số liệu sản lượng công nghiệp tháng mới nhất. Ủy ban châu Âu (EC) cũng sẽ công bố dự báo kinh tế bản cập nhật trong cùng ngày.

4. Số liệu lạm phát của Trung Quốc

Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng và lạm phát giá sản xuất vào ngày 9/7 tới. Thị trường sẽ chú ý đến việc giá nguyên vật liệu tăng sốc trong thời gian qua, và liệu doanh nghiệp có đang sang tay những chi phí này cho người tiêu dùng hay không.

Hiện tại, giá cả hàng hóa không chỉ tăng vọt ở Trung Quốc mà còn khắp nơi trên thế giới. Điều này càng khiến công chúng lo ngại rằng làn sóng lạm phát có thể đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Khả Nhân