Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 14/9 - 18/9: Fed nhóm họp lần cuối trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ
Ngoài cuộc họp chính sách tiền tệ quan trọng của Fed, thị trường ngoại hối cũng sẽ chú ý đến doanh số bán lẻ tháng 8 và số liệu thất nghiệp sơ bộ hàng tuần của Mỹ.
Trong tuần này, chính phủ Anh sẽ bắt đầu tranh luận về một dự luật nội bộ có thể phá hủy hiệp ước "li hôn" với Liên minh châu Âu (EU).
Cuối cùng, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ khai mạc cuộc họp chính sách chỉ vài tiếng sau Fed. Giới đầu tư có lẽ sẽ quan sát kĩ hai cuộc họp này để xem phản ứng của hai ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới phản ứng với lập trường chính sách mới của Fed, theo tổng hợp từ Investing.com.
1. Cuộc họp của Fed
Cuộc họp chính sách của Fed dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16/9. Fed sẽ đưa ra một số điều chỉnh nhỏ trong tuyên bố lãi suất sau khi chấp nhận cho lạm phát dao động vừa phải trên ngưỡng mục tiêu 2%.
Lập trường mới của Fed về mục tiêu lạm phát có thể khiến lãi suất duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Ngoài ra, các quan chức Fed cũng sẽ cập nhật các dự báo về triển vọng kinh tế và lãi suất cho đến năm 2023 qua các đồ thị điểm (dot plot).
Ông Jon Hill, chiến lược gia về lãi suất tại công ty BMO Capital Markets, cho hay: "Tôi nghĩ các dự báo bằng đồ thị điểm của Fed sẽ là thứ thị trường quan tâm bậc nhất".
Đầu tháng 9, Chủ tịch Jerome Powell cho biết dù Fed sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp, các nhà lập pháp Mỹ cũng cần hỗ trợ để kinh tế phục hồi. Phát biểu của ông Powell khiến việc chính phủ chưa thể thống nhất một gói kích thích tài khóa mới trở thành điều đáng lo ngại cho một số nhà đầu tư.
2. Doanh số bán lẻ, số liệu thất nghiệp sơ bộ
Trước tuyên bố chính sách ngày 16/9 của Fed, chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu về doanh số bán lẻ tháng 8. Các chuyên gia dự đoán doanh số bán lẻ tháng 8 sẽ tăng 1% so với tháng trước và dữ liệu cũng sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn về ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng sau khi các trợ cấp thất nghiệp bổ sung hết hạn vào tháng 7.
Nhà đầu tư ngoại hối cũng sẽ theo dõi số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ. Số liệu tuần trước đột ngột tăng cao hơn thông thường, cho thấy đà phục hồi của thị trường việc làm Mỹ đang bị đình trệ khi các hỗ trợ tài chính của chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động thất nghiệp dần cạn kiệt.
3. Vấn đề Brexit
Chính phủ Anh sẽ bắt đầu tranh luận về một dự luật thị trường nội bộ vào ngày 14/9. Dù Thủ tướng Boris Johnson đang chiếm ưu thế khi đảng của ông nắm 80 ghế đa số trong chính phủ, sự bất đồng nội bộ liên quan đến dự luật trên có thể thử thách khả năng lãnh đạo của ông Johnson.
Anh đang mạo hiểm đưa ra một dự luật vi phạm thỏa thuận rút lui hiện có với EU và chính London cũng công khai thừa nhận dự luật này có thể đi ngược lại luật pháp quốc tế. Động thái mới của Anh còn có thể khiến nước này mất cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit và kích hoạt hành động pháp lí từ EU.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley đã tăng khả năng Anh và EU đệ đơn kiện nhau lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ 25% lên 40%.
4. Các ngân hàng trung ương khác nhóm họp và sức ép từ Fed
Việc Fed cho phép lạm phát tăng cao hơn đặt các ngân hàng trung ương khác vào tình thế khó khăn. Trừ khi các ngân hàng trung ương này cũng nới lỏng chính sách tương tự, tác động của đồng USD yếu hơn so với đồng nội tệ có thể đe dọa khả năng phục hồi kinh tế và triển vọng lạm phát của họ.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết đồng euro mạnh lên chưa phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, BoE và BoE có thể bị buộc phải nối gót Fed nới lỏng chính sách.
Investing.com dự đoán BoE và BoJ sẽ không đưa ra thay đổi chính sách nào trong cuộc họp tuần này. Tuy nhiên, BoE có thể báo hiệu rằng họ sẽ mở rộng chương trình mua trái phiếu để giúp nền kinh tế Anh vượt qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và Brexit.
Trong khi đó, để đưa ra lập trường chính sách phù hợp, BoJ sẽ phải tìm tiếng nói chung với tân thủ tướng Nhật Bản tương lai, mà nhiều khả năng là Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga.