Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 10/5 - 14/5: Nỗi lo lạm phát bao trùm
Sau báo cáo việc làm tháng 4 gây hoang mang cuối tuần trước, tuần này chính phủ Mỹ dự kiến sẽ công bố số liệu lạm phát mới nhất. Các dấu hiệu về áp lực lạm phát có thể khơi lại cuộc tranh luận xoay quanh thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ.
Trong tuần này, nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối có thể cũng rất mong chờ các bài phát biểu của một số quan chức hàng đầu trong ngân hàng trung ương Mỹ. Ngoài ra, thị trường cũng có thể quan tâm đến việc đường ống dẫn xăng lớn nhất tại Mỹ phải đóng cửa sau khi bị tấn công bằng mã độc hồi cuối tuần.
Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện đáng chú ý như sau:
1. Lo ngại lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 được cho là sự kiện quan trọng bậc nhất trên lịch kinh tế Mỹ tuần này, đặc biệt là trong bối cảnh nhà đầu tư đang lo lắng rằng giá cả hàng hóa tăng cao có thể khiến Fed bắt đầu thu hẹp quy mô các biện pháp hỗ trợ tiền tệ sớm hơn kế hoạch. Dự kiến, chỉ số CPI sẽ được công bố vào ngày 12/5.
Dù lạm phát đang trên đà tăng, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhiều lần khẳng định mức tăng chỉ là do các yếu tố tạm thời và đến nay ngân hàng trung ương Mỹ vẫn chưa phát tín hiệu siết chặt chính sách tiền tệ.
Số liệu lạm phát mới còn được công bố không lâu sau báo cáo việc làm tháng 4. Tháng trước, thị trường lao động Mỹ đã chững lại đáng kể trong khi chỉ tạo thêm 266.000 việc làm, giảm mạnh so với dự báo 978.000 của các nhà phân tích.
2. Đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ bị tấn công
Colonial Pipeline, công ty điều hành đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ, đã đóng cửa toàn bộ hệ thống mà không thông báo thời điểm hoạt động trở lại sau một vụ tấn công mạng vào ngày 7/5.
Colonial là nguồn cung cấp xăng chính cho khu vực Bờ Đông và còn phục vụ thêm một số sân bay lớn nhất của Mỹ. Vụ việc này cho thấy hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ dễ bị tin tặc tấn công như thế nào.
Nếu đường ống dẫn xăng này bị gián đoạn kéo dài, giá xăng tại các trạm bơm sẽ tăng vọt trước mùa lái xe cao điểm của người dân. Điều này có thể giáng đòn đau vào người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ khi các lệnh hạn chế di chuyển trong đại dịch chỉ vừa được nới lỏng.
Colonial tạm ngừng hoạt động cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà máy lọc dầu tại khu vực Bờ Vịnh nếu hoạt động lọc dầu buộc phải tạm dừng vì một phần của hệ thống phân phối xăng dầu bị gián đoạn.
3. Quan chức Fed phát biểu
Fed đã khẳng định nếu lạm phát tăng vì các gói kích thích tài khóa khổng lồ của chính quyền Tổng thống Biden thì xu hướng đó cũng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư không tin tưởng mấy vì mọi thứ hàng hóa từ nguyên liệu thô đến bất động sản đều đang tăng nóng.
Do đó, nhà đầu tư hẳn sẽ muốn nghe thêm nhận định của các quan chức Fed về rủi ro lạm phát khi họ xuất hiện trước công chúng tuần này.
Một số cái tên nổi bật có Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida, Thống đốc Fed Lael Brainard, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - ông Charles Evans, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco - bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh New York - ông John Williams, và Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas - ông Rob Kaplan.
4. Dữ liệu GDP của Anh
Chính phủ Anh sẽ công bố GDP quý I vào ngày 12/5 tới, số liệu được dự đoán là sẽ cho thấy một sự phục hồi đáng kể trong hoạt động kinh tế tại Anh.
Ngoài ra, dù tăng trưởng trong cả quý I dự kiến không tăng mạnh nhưng số liệu tháng 3 có thể đặc biệt tươi sáng hơn, khi mà chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho phép chính phủ Anh nới lỏng phần nào các lệnh hạn chế trong đại dịch.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết nền kinh tế này sẽ trở lại quy mô trước đại dịch vào quý cuối cùng của năm 2021, sớm hơn 3 tháng so với dự báo trước. Đồng thời, BoE còn nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ con số 5% hồi tháng 2 lên 7,25%.