|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VCBS: Lạm phát tháng 5 có thể giảm, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục ít nhất cho tới năm 2022

08:53 | 08/05/2021
Chia sẻ
VCBS cho rằng các biến chủng COVID-19 đang là rào cản đáng kể đến khả năng sớm đẩy lui dịch bệnh. Các ngân hàng trung ương sẽ phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ hồi phục kinh tế đang vấp phải nhiều khó khăn.

Lạm phát tháng 5 có thể giảm 0,1% so với tháng trước

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra dự báo dự báo tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm có thể đạt 6,5%- 6,7%.

Mức dự báo dựa trên cơ sở những chỉ tiêu vĩ mô được công bố từ Tổng cục Thống kê trong 4 tháng đầu năm với điểm nhấn là hoạt động xuất nhập khẩu với mức tăng trưởng khoảng 30%. Trong đó, mức tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu lên tới 23,2%. 

Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 10% với điếm sáng tiếp tục thuộc về ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Đồng thời, chỉ số PMI tháng 4 tăng tháng thứ 3 liên tiếp lên 54,7 điểm, từ ngưỡng 53,6 ghi nhận trong tháng trước cho thấy ngành sản xuất tiếp tục hồi phục trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát. 

VCBS: Lạm phát tháng 5 có thể giảm, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục ít nhất cho tới năm 2022 - Ảnh 1.

Lạm phát tháng 5 có thể giảm 0,1% so với tháng trước. (Nguồn: Báo Công Thương).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03 % (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%).

Cùng với đó, VCBS dự báo lạm phát tháng 5 có thể giảm 0,1% so với tháng trước, tương ứng tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước do sức tiêu dùng phần nào bị tác động bởi làn sóng dịch mới nhất xâm nhập vào Việt Nam.

"Dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt nhiều khả năng khiến cho nhu cầu tiêu dùng chưa thể hồi phục mạnh trở lại", chuyên gia VCBS nhận định.

Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục ít nhất cho tới năm 2022

Nhận định về biến động trên thị trường tiền tệ, VCBS đánh giá lãi suất huy động và cho vay hầu như không biến động trong tháng 4. Chính sách điều hành ổn định ít biến động trong giai đoạn này được xem là điểm sáng.

"Giai đoạn này, NHNN tiếp tục thể hiện sự nhất quán, kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bắt động sản và định hướng chung vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh", chuyên gia của VCBS phân tích.

Cùng với đó, việc Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không có bằng chứng kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ là tín hiệu tích cực sau nỗ lực phối hợp cung cấp thông tin từ phía cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. 

Theo VCBS, với dư địa cả về nguồn lực và chính sách hiện có, NHNN có thể hoàn thành mục tiêu ổn định tỷ giá, dự báo tỷ giá năm 2021 dao động trong khoảng ± 0,5%.

Các chuyên gia của công ty chứng khoán cho rằng tính tới thời điểm này, các biến chủng COVID-19 đang là rào cản đáng kể đến khả năng sớm đẩy lui dịch bệnh bất chấp các nỗ lực tiêm phòng vắc xin vẫn đang được tiến hành. Như vậy, các nỗ lực hồi phục kinh tế sẽ tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn. 

Theo đó, VCBS duy trì dự báo về các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất cho tới năm 2022 đối với nhiều ngân hàng trung ương lớn khi mục tiêu ưu tiên của giai đoạn này vẫn sẽ là hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.


Diệp Bình