|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự đeo bám của 'cú xanh cục súc' trên ứng dụng Duolingo

07:20 | 29/07/2024
Chia sẻ
Chiến thuật đeo bám với ngôn từ có phần gắt gỏng của con cú Duo khiến ứng dụng Duolingo thu hút sự chú ý, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.

"Học đi nào. Mà không cũng chẳng sao. Tui không quan tâm... Muốn giỏi mà chỉ nằm mơ không học thì còn lâu mới thành tài", Hoàng Linh, 23 tuổi, nhân viên văn phòng tại Đà Nẵng, nhận được thông báo từ linh vật cú Duo của ứng dụng ngoại ngữ Duolingo lúc sắp đi ngủ. Quá mệt sau một ngày làm việc, Linh tắt app và lên giường. Sớm hôm sau, thông báo đầu tiên cô nhận được tiếp tục đến từ "cú xanh": "Từ giờ đến nửa đêm, nếu không luyện tập bạn sẽ mất 7 ngày streak".

Linh cho biết đây vẫn là tin nhắn "lịch sự" từ Duo của. Nhiều lời nhắc thậm chí dùng từ thô tục. Sau một tuần bị "khủng bố" bởi những lời nửa đùa nửa ra lệnh, cô xóa ứng dụng. "Duo không buông tha tôi. Ứng dụng tiếp tục gửi tin nhắn về email đã đăng ký, đều đặn mỗi ngày nhắc tôi quay lại. Khi thoải mái, tôi thấy tin nhắn đó hài hước, còn khi đang không vui, Duo như một cơn ác mộng", Linh kể.

Thông báo Duolingo gửi đến email người dùng khi phát hiện tài khoản ngưng hoạt động. Ảnh: Khương Nha

Trên các hội nhóm mạng xã hội, không khó tìm kiếm những chủ đề phàn nàn về cách tương tác với người dùng của ứng dụng học ngoại ngữ này. Không chỉ ở Việt Nam, Duolingo nhận về vô số ý kiến trái chiều trên khắp thế giới. Business Insider gọi những lời nhắc của Duolingo với người dùng "thô lỗ" và "tấn công tinh thần".

Tuy nhiên, ông chủ "cú xanh" vẫn duy trì điều này. Theo công bố của Duolingo, hồi tháng 5, việc đeo bám giúp số người hoạt động hàng ngày tăng cao và hiện đạt tổng hơn 500 triệu người dùng trong quý đầu 2024.

Thành tích này đến từ sức hút kỳ lạ của "cú xanh" với người dùng trẻ. Trong khi một số người tỏ ra gay gắt, những người trẻ dưới 30 có vẻ lại thích thú với những đoạn hội thoại "cục súc". "Người dùng trẻ thích những công ty có cá tính, độc đáo, đáng nhớ và gần gũi", Brian Honigman, chuyên gia tiếp thị tại Philadelphia, nói với Business Insider.

Giáo sư Matt Williams tại Trường Kinh doanh Raymond A. Mason thuộc Đại học William & Mary (Mỹ) cũng nhận xét: "Tính cách láu cá của cú Duo đã thành công rực rỡ với thế hệ người dùng trẻ. Sự táo bạo từ Duolingo không chỉ là một chiêu trò tiếp thị, nó còn thúc đẩy sự tham gia của người dùng".

Một số lời nhắc "cà khịa" người dùng của cú Duo. Ảnh: Nguyen Huynh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo công thức tiếp cận bằng cách khiến người dùng cảm thấy tồi tệ có thể phản tác dụng khi thực hiện trong thời gian dài. Kristen Smirnov, phó giáo sư tại trường Cao đẳng Whittier, cho rằng việc bị đeo đuổi và "cà khịa" có thể khiến người dùng xóa ứng dụng, không muốn tải và mở lại.

Năm 2020, khi Cem Kansu, Giám đốc sản phẩm của Duolingo, đăng về những con số công ty đạt được nhờ "những lời nhắc học hung hăng", nhiều người đã chỉ trích, tạo thành làn sóng phản đối lớn. "Ông muốn thúc đẩy người học bằng cách khiến họ thấy xấu hổ, tội lỗi à?", một người dùng bình luận.

Mara Einstein, giáo sư tại Đại học Queens, nói cách tiếp cận của Duolingo "vô đạo đức và không cần thiết". Ông cho rằng thương hiệu đã bước qua ranh giới về đạo đức để đạt được mục tiêu. Đây là cách tiếp cận sai lầm, càng đi càng lún sâu.

Einstein so sánh với mô hình đa cấp, những người đứng sau thường xuyên dùng chiến thuật phi đạo đức để thu hút khách mới. Họ thường tấn công khách hàng bằng thông tin liên lạc, sau đó trì hoãn giao hàng hoặc dịch vụ như đã hứa đến khi "con mồi" dành nhiều thời gian, tiền bạc hơn.

Ông lưu ý cú Duo có thể khiến người dùng cảm thấy tội lỗi, điều đó không gây tổn hại nhưng cuối cùng họ sẽ bỏ đi, thậm chí tìm cách né tránh, không muốn "lặp lại sai lầm" bất kỳ lần nào nữa.

Được thành lập năm 2011 tại thành phố Pittsburgh (Mỹ), Duolingo là ứng dụng đa nền tảng giúp học ngoại ngữ miễn phí. Nếu có nhu cầu cao hơn, người dùng sẽ trả phí theo tháng để loại bỏ quảng cáo trong ứng dụng, truy cập ngoại tuyến và thêm một số chức năng đặc biệt khác.

Ứng dụng thiết kế như một trò chơi tạo sự hứng thú khi học ngoại ngữ cho người dùng để nâng cao khả năng nghe, nói, đọc và viết với khoảng 40 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Năm 2019, Duolingo là app học ngoại ngữ miễn phí được tải về nhiều nhất trên cả iOS và Android. Cùng năm, công ty nhận gói đầu tư từ quỹ CapitalG của Alphabet (công ty mẹ của Google) và chính thức trở thành "kỳ lân" công nghệ với định giá 1,5 tỷ USD.

Duolingo không tiết lộ số người dùng cụ thể tại Việt Nam, nhưng vào năm 2022 từng cho biết Việt Nam là thị trường lớn nhất tại Đông Nam Á với mức tăng trưởng 67% so với năm trước đó.

Khương Nha

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.