|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tại sao cú Duolingo chăm check-in ở Hỏa Lò, chợ Đồng Xuân, sân vận động Mỹ Đình?

07:58 | 15/10/2023
Chia sẻ
Ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo đang tích cực hướng tới thị trường Đông Nam Á nhiều hơn với những động thái gần như sử dụng hình ảnh của nhóm nhạc nữ Blackpink, tăng cường nội dung truyền thông mạng xã hội liên quan đến các thị trường như Việt Nam, Thái Lan...

Mới đây, tờ Nikkei Asia có bài viết về sự xuất hiện với tần xuất nhiều hơn của linh vật cú Duolingo tại nhiều thị trường thuộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam - nơi có lượng người dùng mới hàng ngày thuộc top ba thế giới. Ngoại trừ Trung Quốc từ chối đưa ra số liệu, Việt Nam là quốc gia học tiếng Anh trên Duolingo nhiều nhất châu Á.

Duolingo muốn sử dụng văn hóa đại chúng, xu hướng địa phương để tiếp cận nhiều người học hơn. Đáng nói, Duolingo không đặt mình vào thế cạnh tranh với những công ty edtech (công nghệ giáo dục) khác. 

Haina Xiang, giám đốc tiếp thị khu vực châu Á, cho rằng một số người Đông Nam Á sẽ thích điều này. “Chúng tôi thấy những đối thủ cạnh tranh từ địa phương khá thú vị và đó là một điều tốt. Nó cho thấy nhu cầu học ngôn ngữ của toàn thị trường. Ngoài ra, những đối thủ cạnh tranh này còn truyền cảm hứng cho chúng tôi về những điểm cần cải thiện", nữ giám đốc nói.

Hình ảnh linh vật nổi tiếng của Duolingo xuất hiện tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, khi nhóm nhạc Blackpink tới Việt Nam biểu diễn. (Ảnh: Duolingo).

Việc học ngoại ngữ qua trò chơi là chưa đủ và Duolingo đang đưa ra nhiều lựa chọn giúp nền tảng trở nên thú vị hơn. Tiếng Nhật đã phát triển nhờ anime và manga, vì vậy ứng dụng này đưa vào các bài học những cụm từ liên quan đến câu thoại của một bộ anime nổi tiếng.

Duolingo chứng kiến ​​sự bùng nổ hứng thú với tiếng Hàn sau khi loạt phim "Squid Game" nổi tiếng toàn cầu, đi cùng với văn hóa K-pop đã trở thành tên tuổi của xứ kim chi. Công ty trị giá 7 tỷ USD này đã cử linh vật cú xanh check-in tại đêm nhạc của Blackpink ở Mỹ Đình, tạo ra hiệu ứng truyền thông tốt cho nền tảng trên mạng xã hội.

Xiang cho biết: “Một số ngôn ngữ châu Á khác cũng đang tăng trưởng rất nhanh. Động lực to lớn này là nhờ văn hóa đại chúng châu Á". Đại diện Duolingo cho biết người dùng ở Indonesia tăng gấp 6 lần kể từ năm 2020, gấp 5 lần ở Thái Lan và Việt Nam. 

Trên mặt trận công nghệ, Duolingo không đứng ngoài cuộc chơi AI. Họ làm việc với OpenAI, giúp triển khai chatbot để người học có thể thực hành trò chuyện. 

Các đối thủ cạnh tranh trong khu vực cũng đang áp dụng AI và tỏ ra không mấy lo lắng về mối đe dọa từ sự mở rộng mạnh mẽ của "cú xanh". Một số công ty khởi nghiệp như Elsa và Yola, tập trung vào hoạt động gia sư ngôn ngữ. Trong khi đó, ứng dụng Wordsmine cho biết phần mềm của họ được thiết kế riêng hướng tới người dùng Việt Nam.

“Ứng dụng sẽ biết bạn học môn nào không giỏi và nhắc nhở bạn luyện tập nhiều lần trong một khoảng thời gian cụ thể”, người sáng lập Wordsmine, Phan An nói với Nikkei. Điều này có chút lợi thế so với một nền tảng nước ngoài như Duolingo. Nội dung bài học của "cú xanh" có đôi lần lan truyền trên mạng xã hội vì các bản dịch hoặc lựa chọn từ ngữ bị cho là không rõ ràng hoặc có phần ngớ ngẩn.

Statista ước tính thị trường giáo dục trực tuyến Đông Nam Á trị giá 1,8 tỷ USD trong năm nay. Duolingo đã có 13 triệu lượt tải xuống trong tháng 2, nhiều nhất đối với các ứng dụng ngôn ngữ trên toàn cầu. Theo sau là Ockypocky của Ấn Độ có 2,2 triệu và Elsa của Việt Nam có 814.000.

Thùy Trang