|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup Việt lọt vào 'mắt xanh' các nhà đầu tư Nhật Bản

10:41 | 24/11/2022
Chia sẻ
Số chuyến bay chở nhiều doanh nhân Nhật Bản tới Việt Nam tăng dần trong nửa cuối năm trở lại đây chứng tỏ các nhà đầu tư ở xứ sở hoa anh đào vẫn dành sự quan tâm cho Việt Nam.

Ngày 23/11, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 – Kích hoạt những cơ hội mới do Báo Đầu tư tổ chức, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán – sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) khẳng định nhà đầu tư Nhật Bản luôn quan tâm tới các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ở bất cứ lĩnh vực nào.

"Hồi tháng 6, tôi bay sang Việt Nam và gặp rất nhiều doanh nhân Nhật Bản trên các chuyến bay. Con số đó tăng dần theo thời gian", ông Yoshida chia sẻ.

Lãnh đạo RECOF cho biết các công ty Nhật Bản thường nhìn vào các điểm tích cực để xác định đầu tư trong tương lai. Khi các nhà đầu tư thoái vốn khỏi Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ nhảy vào.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán – sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation. (Ảnh: RECOF).

"Các tổ chức đầu tư tại Nhật Bản vẫn đang rất bận rộn nghiên cứu thị trường đầu tư, quá trình này có thể mất 6 tháng - một năm, nhưng tôi cho rằng sau Tết 2023, làn sóng nhà đầu tư Nhật Bản tới Việt Nam sẽ bùng nổ”, vị lãnh đạo RECOF Việt Nam đưa ra dự đoán.

Theo ông Yoshida, những biến động địa chính trị thế giới gần đây có thể ảnh hưởng đến nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ... nhưng với xứ sở hoa anh đào, các nhà đầu tư Nhật Bản không cảm nhận rõ ràng về tác động từ kinh tế vĩ mô từ thế giới đến với thị trường trong nước.

Lãnh đạo RECOF cho rằng nhờ các chính sách điều chỉnh của ngân hàng trung ương Nhật Bản và quỹ dự trữ quốc gia đã giảm thiểu tác động của việc đồng yên suy yếu.

Cùng với doanh nghiệp Nhật Bản không bị ảnh hưởng bởi bất ổn kinh tế thế giới, ông Yoshida đưa ra 4 yếu tố cần được lưu tâm, gồm: doanh nghiệp Nhật Bản tích lũy được nhiều ngoại tệ; họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư trong đại dịch COVID-19 vừa qua, không nhiều cơ hội tìm kiếm đầu tư ở nước ngoài vì chính sách lockdown; nhà đầu tư ở Nhật Bản có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ và điều quan trọng là doanh nghiệp Nhật được hưởng lợi từ quỹ tiền mặt lên tới 2.200 tỷ USD được tích lũy trong 20 năm qua.

Về Việt Nam, ông Yoshida đánh giá nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới Việt Nam bởi chúng ta đang trong thời kỳ dân số trẻ, độ tuổi trung bình của Nhật Bản và Việt Nam chỉ chênh nhau 17 tuổi. Ngoài ra tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng nhanh và chúng ta cũng là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. 

Trong khoảng hai năm gần đây, có 60 giao dịch M&A giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam. Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều thương vụ M&A với Nhật Bản nhất. Ông Yoshida cho rằng Việt Nam có 5 ngành hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, gồm: Chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, bán lẻ, năng lượng và tài chính tiêu dùng. Đặc biệt, lãnh đạo RECOF nhấn mạnh nhà đầu tư Nhật Bản luôn quan tâm tới các công ty khởi nghiệp của Việt Nam, bất kể lĩnh vực nào.

Cũng tại sự kiện, ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành công ty Luật TNHH ASL đánh giá, 'quốc tịch" nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn chủ yếu nằm ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. 

“Rất khó để xác định nguồn tiền, quốc tịch của các nhà đầu tư nhưng theo cá nhân tôi chứng kiến thì Nhật Bản và Hàn Quốc rất ưa thích thị trường Việt Nam. Trong khi, với Singapore, nguồn vốn từ Singapore rất khó xác định vì có nhiều nguôn tiền đổ vào họ và số tiền này cũng trải dài ở nhiều quốc gia ASEAN.  Nhìn chung, tôi đánh giá Việt Nam là điểm đến ưu thích cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore", ông Phạm Duy Khương đưa ra quan điểm.

Trong năm 2021, startup về lĩnh vực fintech - Momo của Việt Nam đã công bố khoản đầu tư trị giá 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho – Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản. 

Trong hầu hết giao dịch M&A được công bố năm nay, có 13 thương vụ từ Nhật Bản vào Việt Nam được công bố và Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước Đông Nam Á tiếp nhận nguồn vốn từ xứ sở hoa anh đào, chỉ sau Singapore (31 giao dịch) và Indonesia (14 giao dịch), theo dữ liệu của RECOF.

Thành Vũ