|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai startup Việt lọt top 100 doanh nghiệp có tiềm năng tại châu Á năm 2022

07:42 | 30/08/2022
Chia sẻ
Theo danh sách của Forbes, hai startup Việt có mặt trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch 2022 hoạt động trong lĩnh vực tài chính và công nghệ sinh học & chăm sóc sức khỏe.

Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách Forbes Asia 100 to Watch 2022. Đây là lần thứ hai danh sách này được công bố. Danh sách này của tạp chí Forbes nêu bật 100 công ty nhỏ và startup có tiềm năng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những đơn vị có sự sáng tạo, khả năng phục hồi tốt sau đại dịch và năng lực thay đổi để giải quyết những thách thức cho thế giới.

Danh sách năm nay có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng như những startup hoạt động trong các lĩnh vực đã có sự bùng nổ trong suốt hai năm đại dịch COVID-19 vừa qua, chẳng hạn như dịch vụ xét nghiệm máu, các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, ứng dụng về sức khỏe,…

Một số khác lại nhắm đến những lĩnh vực giúp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, ví dụ như thiết kế các loại pin xe điện có tuổi thọ cao, phát triển những giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn,…

Nhiều đơn vị khác lại cung cấp các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số, như ngân hàng số, fintech, thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số,… qua đó giúp kết nối tới những thị trường chưa được phục vụ.

Danh sách 100 công ty năm nay đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand, Pakistan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, cộng đồng startup ở Singapore là nơi có số lượng doanh nghiệp góp mặt trong danh sách năm nay của Forbes nhiều nhất với 19 công ty. Theo sau trong top 5 lần lượt là Hong Kong (16 công ty), Hàn Quốc (15 công ty), Trung Quốc (14 công ty) và Ấn Độ (11 công ty).

Ngược lại, có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ có duy nhất một cái tên góp mặt trong danh sách, bao gồm Bangladesh, Pakistan, Philippines, Đài Loan và Thái Lan.

Bên cạnh đó, có tất 11 lĩnh vực mà các doanh nghiệp này hoạt động, bao gồm công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe, công nghệ doanh nghiệp, ăn uống và nghỉ dưỡng, giáo dục, giải trí, nông nghiệp, logistics, xây dựng, tài chính, thương mại điện tử và bán lẻ, công nghệ tiêu dùng.

Trong đó, những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu bao gồm tài chính, công nghệ tiêu dùng, ăn uống và nghỉ dưỡng, công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe cũng như công nghệ doanh nghiệp.

Hai doanh nghiệp Việt Nam có tên trong danh sách

Năm nay, Việt Nam có hai đại diện góp mặt trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch 2022, bao gồm Finhay và Medici Vietnam.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Forbes, Finhay là doanh nghiệp Việt Nam được thành lập vào năm 2017, được dẫn dắt bởi CEO Nghiêm Xuân Huy (Huy Nghiêm). Thông qua nền tảng đầu tư vi mô và quản lý tài sản, Finhay hướng tới mục tiêu cung cấp một điểm dừng chân cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Huy Nghiêm, người từng lọt vào danh sách 30 Under 30 Asia năm 2020, hình dung Finhay là giải pháp “một cửa”, nơi khách hàng có thể quản lý tài sản của mình một cách liền mạch.

CEO Finhay Nghiêm Xuân Huy. (Ảnh: Dân Trí).

Startup này cho biết người dùng Finhay có thể bắt đầu tham gia đầu tư với số vốn ban đầu rất nhỏ, chỉ khoảng 2,2 USD (khoảng 50.000 đồng) để cải thiện khả năng tài chính của bản thân. Jessica Huang Pouleur, đối tác của Openspace, cho biết: “Finhay đã nổi lên như một trong những người đi đầu trong lĩnh vực đầu tư tài chính đang bùng nổ ở Việt Nam".

Các đối tác tổ chức lớn của Finhay hiện tại bao gồm Dragon Capital và ngân hàng Malaysia CIMB Group. Trong khi đó, những nhà đầu tư chính vào Finhay gồm có Insignia Ventures Partners và Thiên Việt Securities.

Mới nhất, Finhay đã huy động được 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do quỹ đầu tư Openspace Ventures có trụ sở tại Singapore, đơn vị đầu tư ban đầu vào Tập đoàn GoTo của Indonesia; trang mạng xã hội Kumu có trụ sở tại Manila, Philippines và Vietnam Investments Group dẫn đầu, theo Forbes.

Nguồn vốn mới này sẽ được Finhay sử dụng để đầu tư vào việc mở rộng kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và phát triển công nghệ. Finhay cũng đã mua lại một công ty môi giới chứng khoán, biến nó thành nền tảng đầu tư kỹ thuật số duy nhất được cấp phép tại Việt Nam, theo thông báo từ startup này.

Trong khi đó, Medici Vietnam là một startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe. Medici Vietnam được thành lập từ năm 2017 và đang được dẫn dắt bởi CEO Ngô Đức Anh.

Theo Forbes, thông qua sợi dây liên kết giữa dịch vụ y tế và bảo hiểm, Medici Vietnam hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, dễ tiếp cận, sẵn có và giá cả phải chăng cho người dân Việt Nam.

Công ty khởi nghiệp này cho biết hệ sinh thái của họ bao gồm các bác sĩ, bệnh viện cũng như công ty dược phẩm trải dài trên khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cho đến nay, Medici Vietnam đã có hơn 10.000 hồ sơ sức khỏe điện tử.

Medici Vietnam hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. (Ảnh: Medici).

Những nhà đầu tư chính vào Medici Vietnam gồm có các quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners, Jungle Ventures và Wavemaker Partners. Ngoài ra, Medici Vietnam cũng đã bắt tay với những công ty như FWD, Bảo Việt, PTI, PVI, VBI và Bảo Minh để đồng ra mắt một số sản phẩm bảo hiểm. Dịch vụ của Medici hiện cũng được triển khai tới hơn 100 đối tác doanh nghiệp, trong đó có thể kể đến Shopee, Garena và công ty giao hàng Giaohangtietkiem.

"Việc giới thiệu thêm các dòng sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm giúp chúng tôi tiến thêm một bước trong việc trở thành một nền tảng toàn diện đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người Việt", ông Ngô Đức Anh, CEO và người sáng lập Medici, chia sẻ.

Ông Ngô Đức Anh từng có bằng MBA tại Đại học Fullbright và từng làm việc cho Grab. Medici là một nền tảng cung cấp giải pháp dịch vụ y tế từ xa (telemedicine) với một mạng lưới các bác sỹ tham gia.

Tháng 8/2021, Medici đã gọi vốn thành công với số vốn không được công bố. Vòng gọi vốn seed lần này của Medici do Insignia Ventures dẫn dắt, theo e27.

Với khoản đầu tư mới, startup này đặt mục tiêu có thể thâm nhập vào thị trường bảo hiểm. Medici có thể sẽ đóng vai trò là một bộ phận trung gian giữa công ty bảo hiểm và người dùng cuối cùng. Trong đó, nhiệm vụ của Medici là đưa ra các hướng dẫn và gợi ý cho người dùng cuối để đưa ra những quyết định chính xác về tài chính.

Doanh Chính

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.