Vừa thâu tóm một công ty chứng khoán, Finhay tiếp tục gọi vốn thành công 25 triệu USD
Công ty khởi nghiệp fintech của Việt Nam Finhay đã huy động được 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do quỹ đầu tư Openspace Ventures có trụ sở tại Singapore, đơn vị đầu tư ban đầu vào Tập đoàn GoTo của Indonesia; trang mạng xã hội Kumu có trụ sở tại Manila, Philippines và Vietnam Investments Group dẫn đầu, theo Forbes.
Finhay cho biết các nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn này bao gồm Insignia Ventures Partners, TVS, Headline, TNB Aura và IVC. Đầu tháng này, Insignia, với các khoản đầu tư khác bao gồm GoTo và kỳ lân ô tô đã qua sử dụng có trụ sở tại Singapore, Carro, cũng đã dẫn đầu một vòng gọi vốn pre-Series A cho Bluesheets, một công ty khởi nghiệp về dữ liệu tài chính ở Singapore.
Nguồn vốn mới này sẽ được Finhay sử dụng để đầu tư vào việc mở rộng kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và phát triển công nghệ. Finhay cũng đã mua lại một công ty môi giới chứng khoán, biến nó thành nền tảng đầu tư kỹ thuật số duy nhất được cấp phép tại Việt Nam, theo thông báo từ startup này.
Cụ thể, trên trang cá nhân, CEO Finhay Nghiêm Xuân Huy thông báo startup này đã sở hữu công ty chứng khoán Vina Securities. Theo ông Huy, Finhay trở thành công ty đầu tiên trong lĩnh vực fintech sở hữu một công ty chứng khoán.
"5 năm trôi qua quá nhanh, khởi đầu từ 1 người rồi 4 người và rồi hơn 120 con người đang cùng nhau tạo thêm nhiều tác động tích cực hơn nữa với khách hàng, cộng đồng và thị trường. Một milestone (dấu mốc) mà cả team cố gắng suốt thời gian qua, giờ đã đạt được. Chính thức Finhay đã mua và sở hữu công ty chứng khoán Vina, trở thành công ty fintech đầu tiên trong mảng đầu tư số sở hữu một công ty chứng khoán", ông Huy Nghiêm chia sẻ.
Theo CEO Finhay, việc mua lại công ty chứng khoán Vina giúp startup này khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực đầu tư số và tăng cường uy tín và niềm tin của khách hàng. Hồi đầu năm, ông Nghiêm Xuân Huy đã trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP chứng khoán Vina, thay ông Na Sungsoo.
Finhay được thành lập vào năm 2017 bởi Huy Nghiêm. Startup này vận hành một nền tảng đầu tư vi mô và có hơn 2,7 triệu người dùng đã đăng ký ở Việt Nam. Nền tảng của Finhay đề xuất nhiều sản phẩm tài chính vi mô bao gồm các gói tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm dựa trên thông tin cá nhân của khách hàng và đánh giá rủi ro.
Sau đó, khách hàng có thể bắt đầu xây dựng “sự giàu có” của mình thông qua Finhay với nguồn vốn ban đầu chỉ từ 3 USD (gần 70.000 đồng). Huy Nghiêm, người từng lọt vào danh sách 30 Under 30 Asia năm 2020, hình dung Finhay là giải pháp “một cửa”, nơi khách hàng có thể quản lý tài sản của mình một cách liền mạch.
Jessica Huang Pouleur, đối tác của Openspace, cho biết: “Finhay đã nổi lên như một trong những người đi đầu trong lĩnh vực đầu tư tài chính đang bùng nổ ở Việt Nam".
Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á, đạt mức tăng trưởng 6% hoặc cao hơn trong giai đoạn 2012 – 2019 nhờ vào thế mạnh của ngành sản xuất xuất khẩu và sức chi tiêu của người dân. Tỷ lệ tăng trưởng sau đó đã giảm xuống còn 2,9% trong năm đầu đại dịch 2020 và 2,6% vào năm 2021.
CEO Finhay cho biết: “Một số lượng lớn người dân hiện đang tìm cách tham gia đầu tư. Họ thường là những người mới và chúng tôi đang khám phá những cách khác nhau để giúp họ tham gia thị trường đầu tư tài chính. Đó là một “điểm uốn” quan trọng, dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong ngành”.
Các nền tảng fintech đang lên khác tại Việt Nam có thể kể tới như MoMo, đã huy động vốn từ Goldman Sachs, Warburg Pincus và Vietnam Investments Group, hay Toss, siêu ứng dụng fintech do Viva Republica của tỷ phú Hàn Quốc Lee Seung-gun điều hành.