|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup mang sản phẩm làm thủ công từ bột đậu xanh lên Shark Tank và chốt deal thành công với hai cá mập

08:54 | 27/06/2022
Chia sẻ
Startup có sản phẩm hỗ trợ sức khỏe đường ruột của người dùng đã tạo ra hứng thú với Shark Hưng và Shark Liên, từ đó gọi vốn thành công 4 tỷ đòng trên sóng Shark Tank Việt Nam.

Mang theo mong muốn gìn giữ sức khỏe và tuổi thọ của người Việt, ông Nguyễn Tuấn Dương, CEO Founder của CTCP Chăm sóc Sức Khỏe Đường ruột Việt Nam đến với Shark Tank cùng sản phẩm tinh bột kháng tự nhiên nhằm mục đích kêu gọi 4 tỷ đồng cho 20% cổ phần. Ông Dương mong muốn dùng số tiền đầu tư này để mở rộng sản xuất.

Theo giới thiệu của ông Tuấn Dương, 70 – 80% hệ miễn dịch hay sức đề kháng của con người nằm ở đường ruột và do hệ vi khuẩn đường ruột quyết định. Song, nhiều người chưa biết cách làm lợi cho nhưng vi khuẩn này.

Vì thế, sản phẩm tinh bột kháng sẽ giúp hỗ trợ các vi khuẩn. Về lịch sử hình thành của sản phẩm, ông Dương cho biết vào năm 1982, hai nhà khoa học người Anh đã phát hiện ra rằng, trong khi phần lớn các loại tinh bột mà con người dùng làm thực phẩm ăn uống hằng ngày đều bị tiêu hóa, có một lượng rất nhỏ tinh bột có khả năng kháng lại sự tiêu hóa của cơ thể, di chuyển xuống đại tràng và trở thành thức ăn tốt nhất giúp hệ vi khuẩn đường ruột phát triển. Và đó là tinh bột kháng.

 Ông Nguyễn Tuấn Dương, người sáng lập và điều hành CTCP Chăm sóc Sức khỏe Đường ruột Việt Nam.

Theo ông Dương, để tạo ra một sản phẩm tiêu dùng trực tiếp có hàm lượng tinh bột kháng đủ tốt, đủ lớn cho con người là rất khó khăn vì đặc tính khó bảo tồn của tinh bột kháng. Ông Dương cho biết sản phẩm của công ty đã được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia của Bộ Y tế công nhận.

Về quy trình chiết xuất, ông Tuấn Dương giải thích sản phẩm làm từ 100% từ đậu xanh của Việt Nam. Trong đậu xanh, hàm lượng tinh bột kháng chỉ là 0.14% nhưng qua 12 công đoạn, đậu xanh tăng lên 100 lần và đạt mức độ 14%.

Ông Dương cho biết sản phẩm của công ty đã giúp hàng nghìn người thoát khỏi căn bệnh táo bón, đại tràng co thắt mãn tính lâu năm và trở về cuộc sống đời thường. Nói thêm về tinh bột kháng, ông Tuấn Dương cho biết tỉ lệ thành công lên đến 90%. Khách hàng mà startup này hướng đến là 30 triệu người Việt Nam đang bị táo bón, 20 triệu người bị các bệnh về đại tràng, 9 triệu người đang bị tiểu đường và tiền tiểu đường tuýp II, 25 triệu người có nguy cơ huyết áp thừa cân béo phì.

“Vì sức khỏe và tuổi thọ của người Việt, chúng tôi mong muốn rằng một ngày chúng ta ăn 3 bữa, thì hãy dành 1 bữa cho vi khuẩn bằng tinh bột kháng”, ông Tuấn Dương nói.

Hiện startup có 3 sản phẩm rơi vào khoảng 200.000 đồng. Doanh thu năm 2021 là 2,9 tỷ đồng, tuy nhiên lãi chỉ có 2%, tương đương 62 triệu đồng vì phần lớn tiền lãi đã được sử dụng cho việc hoàn thiện sản phẩm.

Công ty đang có có 3 kênh phân phối là bán hàng trực tiếp cho khách, chiếm 70%, ngoài ra công ty cũng có kênh bán hàng online và nguồn cung cho các đơn vị phòng tập gym, sản xuất bánh kẹo từ tinh bột khác.

Ông Tuấn Dương cho biết công ty đang gần như tự làm theo kiểu thủ công với sản lượng khoảng 400 sản phẩm/ngày. Và hiện nay chỉ mới sản xuất được 50% công suất.

Khi được shark Hưng hỏi khó khăn lớn nhất startup đang gặp phải, ong Tuấn Dương cho rằng tinh bột kháng là khái niệm hoàn toàn mới ở Việt Nam, trong khi Chính phủ Australia, Mỹ đã khuyến cáo người dân nên dùng sản phẩm này hằng ngày.

Vì không nằm trong khẩu vị đầu tư, Shark Bình là người đầu tiên từ chối deal này. Tiếp theo là Shark Hùng Anh và Shark Phú.

Hai người hào hứng nhất với thương vụ là Shark Liên và Shark Hưng. Nhằm thuyết phục hai vị cá mập, ông Tuấn Dương cho biết công ty đã đầu tư 4 tỷ đồng. Năm 2023, ông dự kiến đẩy mạnh sản xuất tối đa công suất của công ty và đạt doanh thu 26 tỷ đồng, lãi 4 tỷ đồng.

Dự kiến, kết thúc năm 2025 doanh thu đạt 64 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ là 15%, tăng trưởng ổn định mỗi năm 25%. Theo ông Dương, nếu các Shark tham gia, con số này có thể gấp đôi, gấp ba lần.

“Bạn bỏ 4 tỷ đồng rồi, với lại công sức mấy năm qua, giờ tôi bỏ thêm 4 tỷ đồng nữa. Bạn 60%, tôi 40%”, Shark Hưng đưa ra đề nghị. Trong khi đó, Shark Liên đề nghị đầu tư 4 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần của startup.

 Sản phẩm tinh bột kháng chốt deal thành công với hai vị cá mập.

Shark Hưng thuyết phục startup rằng ông có khá nhiều ý tưởng từ branding (làm thương hiệu) và kênh phân phối, thậm chí cả hương vị của sản phẩm có thể hỗ trợ startup nếu Tuấn Dương nhận deal. Shark Liên cho biết bà sẽ giúp cho startup rất nhiều về các kênh bán hàng, tuyên truyền và muốn đi đường dài cùng startup.

Theo ông Tuấn Dương, Hội đồng quản trị công ty đã họp và giới hạn mức cổ phần không được vượt quá 30%. Do đó, ông đề xuất Shark Liên giảm tỷ lệ cổ phần xuống còn 30%. Lúc này, Shark Liên cho biết bà và Shark Hưng sẽ cùng đầu tư 4 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần của startup.

Cuối cùng, startup đưa ra đề xuất: “Có thể các Shark sẽ vào với 36% nhưng em muốn xin phép sau 2 năm, cho em mua lại 6% với giá gấp đôi”. Shark Hưng và Shark Liên đồng ý. Ông Nguyễn Tuấn Dương và sản phẩm tinh bột khác thành công ra về trên sóng Shark Tank Việt Nam.

Doanh Chính

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.