|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup kiếm tiền lẻ từ cung cấp nền tảng công nghệ cho M&A bị đặt câu hỏi về hiệu quả hoạt động

07:21 | 31/10/2023
Chia sẻ
Các "cá mập" đều đồng loạt từ chối góp vốn cho startup Inmergers vì quá khó để mở rộng quy mô.

Inmergers - một startup ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực M&A tại Việt Nam đến với Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 200.000 USD cho 4% cổ phần. Đại diện của startup này là hai nhà sáng lập gồm Thảo Nguyễn – Giám đốc điều hành và Toàn Phạm – Giám đốc tiếp thị.

Theo giới thiệu, Inmergers hiện cung cấp nền tảng MMatch (sử dụng công nghệ auto matching) cho các thương vụ M&A chiến lược và MFund (sử dụng công nghệ blockchain) cho các thương vụ gọi vốn thuần túy.

Mô hình này thu tiền từ phí đăng tin bài của các bên, với các gói có giá rẻ nhất là 49 USD, đắt nhất là 499 USD. Startup còn cung cấp các dịch vụ add-on (gia tăng) như tư vấn tiền M&A, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đồng hành gọi vốn.

Inmergers định hướng trở thành một nền tảng, thu hút người dùng là các broker (người môi giới - PV). Theo lộ trình phát triển, startup dự kiến sẽ IPO vào năm 2028.

Theo bà Thảo Nguyễn, hiện startup đang tập trung đẩy bán và thu hút các yêu cầu từ người mua. Trong khi đó, những môi giới và nhà tư vấn sẽ hút các hồ sơ bên bán. Sau 8 tháng, Inmergers đã phát triển được mạng lưới 300 broker và 7 Country Partner (đối tác vùng).

Doanh thu đạt khoảng 400 triệu đồng đến từ dịch vụ gia tăng và phí đăng tin hiển thị của các broker, buyer (người mua). Trong đó, phần lớn doanh thu là dịch vụ gia tăng.

 Hai đại diện của Inmergers. (Ảnh : Shark Tank Việt Nam).

“Tôi thấy mô hình này rất là B2B mà thu phí đăng tin lại là mô hình kinh doanh phù hợp với C2C. Bạn đang làm một thứ mà thị trường siêu ngách siêu hẹp nhưng lại thu phí theo cách siêu siêu lẻ. Tôi cảm thấy rất vênh ở đây. Làm sao mà có thể kiếm được tiền?”, Shark Bình đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Toàn Phạm cho biết thực tế các SMEs đang rất có nhu cầu. Từ kinh nghiệm làm luật sư trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, bà Thảo Nguyễn chia sẻ, Việt Nam luôn là “điểm nóng” M&A với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Shark Hưng đánh giá M&A là một lĩnh vực rất nhạy cảm, người bán, người mua đều có những nhu cầu rõ ràng và họ cần người môi giới đáng tin cậy. Do đó, việc cung cấp dịch vụ hiển thị là không phù hợp. Ông cho rằng việc cung cấp dịch vụ gia tăng sẽ mang lại nguồn thu tốt hơn cho startup.

Trong khi đó, Shark Bình nêu quan điểm startup nên tập trung vào mô hình tư vấn M&A và hưởng hoa hồng từ các thương vụ thay vì thu phí hiển thị trên nền tảng. Trước nhận định đó, Thảo Nguyễn cho biết nếu thu hoa hồng thì chỉ là mô hình truyền thống và không mở rộng được.

Bà Thảo đánh giá thị trường M&A ở Việt Nam rất tiềm năng nhưng chưa có big data. Trong khi đó, nền tảng như thế này đã có ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Singapore… Bà Thảo cho rằng: "Tôi nghĩ ngành M&A là ngành đủ nhỏ đủ hẹp và giá trị giao dịch đủ lớn. Chúng ta đâu có cần làm một cách đại trà đâu”.

Shak Bình và Shark Hưng là những người đầu tiên từ chối. Shark Hùng Anh nhận xét startup định giá doanh nghiệp cao trong khi doanh thu còn thấp. Thêm vào đó, ông nhận định mô hình này rất khó để nên đã từ chối đầu tư.

Shark Erik cũng từ chối vào deal này. Trong khi đó Shark Tuệ Lâm cho rằng Việt Nam rất khó phát triển nền tảng M&A bởi số lượng deal tốt ở Việt Nam không đủ nhiều. Nữ cá mập cho biết: "Đây là thị trường rất ngách và gần như người ngoài không đi vào được. Tín nhiệm của người broker ở giữa quan trọng lắm, đặc biệt là với những người nước ngoài. Khi vào thị trường họ không biết thì họ rất khó để mà tin tưởng một bên thứ ba". Và Shark Tuệ Lâm cũng từ chối deal này.

Thùy Trang