|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup châu Á khát vốn đầu tư nước ngoài

14:21 | 18/02/2019
Chia sẻ
Các startup châu Á đang kêu gọi chính phủ nới lỏng chính sách đầu tư nước ngoài để họ có thể mở rộng thị trường và tạo ra nhiều lợi ích từ các nhà đầu tư tiềm năng.
startup chau a trong con khat von dau tu nuoc ngoai Lý do Australia là nơi tốt nhất cho startup châu Á vào lúc này

Startup Châu Á kêu gọi chính sách 'dễ thở' hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài

Theo Nikkei, các doanh nghiệp trẻ từ Việt Nam đến Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia chia sẻ, họ cần các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn và tìm cách thâm nhập nhằm đẩy mạnh phát triển. Hầu hết startup được phỏng vấn muốn chính phủ có thể ban hành những quy định rõ ràng và thuận lợi hơn để thu hút các nhà đầu tư bên ngoài.

Jocelyn Chung, giám đốc tiếp thị chiến lược toàn cầu tại KKday, công ty du lịch trực tuyến có trụ sở tại Đài Bắc nhận định: "Chúng ta cần tạo ra một môi trường thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ cần hỗ trợ các startup bằng cách cải thiện môi trường đầu tư, cũng như xoá bỏ các chính sách lao động và trau dồi tài năng trong nước".

Andreas Senjaya, CEO của iGrow Resources Indonesia, dịch vụ kết nối các nhà đầu tư với các dự án nông nghiệp cũng chia sẻ: "Các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc tham gia và đầu tư vào nền tảng của chúng tôi do các khó khăn về chính sách”.

Linh Phạm, nhà sáng lập Logivan, nhấn mạnh rằng: “Đầu tư nước ngoài tạo ra sự quan tâm và tính năng động trong ngành công nghiệp được đầu tư, do đó giúp mọi người dễ dàng nhìn thấy và hiểu được những gì chúng tôi đang làm".

Các quỹ đầu tư trong nước chưa đủ tiềm lực để 'chắp cánh' cho các startup tham vọng

Số vốn từ các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) rót vào châu Á đã tăng 27%, đạt mức 166 tỉ USD trong năm 2018, theo Trung tâm nghiên cứu quỹ PE châu Á. Họ cũng thấy nhiều khoản đầu tư vào các startup công nghệ trong giai đoạn sau (late-stage) hơn trước.

startup chau a trong con khat von dau tu nuoc ngoai
Startup iGrow của Indonesia. Nguồn: Igrow.

Trong đó, đầu tư nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á cũng tăng tốc, Nobuaki Kitagawa, CEO của CyberAgent Capital tại Thượng Hải, nói: "Các quy đầu tư mạo hiểm trong nước thường có quy mô bé và chưa quen thuộc với công nghệ mới. Do đó, các công ty khởi nghiệp mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô tài trợ lớn và am hiểu việc đầu tư vào công nghệ."

Một cuộc khảo sát năm ngoái của Tech in Asia cho thấy một sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng startup nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư Nhật Bản và Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2017. Tuy nhiên, rất nhiều công ty non trẻ ở châu Á vẫn phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khi nhiều quốc gia áp đặt các quy định siết chặt hơn, chẳng hạn như hạn chế về tỉ lệ sở hữu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Buzzvil, công ty quảng cáo Hàn Quốc cho phép các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng trên chính màn hình khóa điện thoại di động, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài, rằng nó giúp các startup chấp nhận rủi ro trên sân chơi toàn cầu với những ý tưởng mới.

Người đồng sáng lập của Evoware, David Christian, đồng ý rằng rất khó để các nhà đầu tư trong nước đạt được quy mô của các nhà tài trợ nước ngoài. "Chúng tôi đang cố gắng giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của thế giới và chúng tôi cần sự đầu tư với quy mô lớn”, anh nói.

Thị trường vốn cổ phần tư nhân đã bùng nổ trong vài năm qua, khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trong môi trường lãi suất thấp. "Rất nhiều tiền đến từ các nhà đầu tư tổ chức," James Riney, người đứng đầu 500 Startups Nhật Bản, đồng thời là chuyên gia về gọi vốn ở giai đoạn hạt giống, phát biểu.

Cùng với nguồn vốn đầu tư, các công ty khởi nghiệp phải đối mặt với những khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ nhân sự có trình độ cao.

Viva Republica, công ty Hàn Quốc vận hành ứng dụng dịch vụ tài chính Toss, cho biết thách thức lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của họ là "tuyển dụng, bao gồm các kỹ sư lành nghề".

Theo báo cáo của công ty tư vấn Korn Ferry, lĩnh vực công nghệ trên toàn thế giới sẽ có thêm 4,3 triệu vị trí dư thừa vào năm 2030, có thể khiến Trung Quốc mất hơn 40 tỉ USD doanh thu. Nhật Bản sẽ thiếu 280.000 nhân lực trong lĩnh vực này vào năm 2020. Ấn Độ là quốc gia duy nhất ở châu Á có thặng dư lao động công nghệ thông tin.

Kitagawa của CyberAgent Capital nhấn mạnh vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Nam Á, nơi vẫn chưa có một công ty công nghệ thông tin có quy mô toàn cầu.

Xem thêm

Tuệ An