|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup cần bước ra khỏi giới hạn bản thân để đi đến thành công

07:52 | 17/12/2019
Chia sẻ
Mỗi người, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp cần đặt cho mình mục tiêu và tìm nhiều giải pháp phấn đấu, tự mình vượt qua chính mình để chạm đến "làn ranh biên giới" đó.

Hiện nay, Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã làm thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu. 

Vì thế, doanh nghiệp dù nhỏ, lớn, sản xuất kinh doanh ở bất kì ngành nghề hay cung ứng ở bất kì thị trường nào cũng không bị bó hẹp bởi ranh giới quốc gia nhưng đồng thời tất cả các doanh nghiệp đó đều phải chịu sự cạnh tranh của nền kinh tế toàn cầu. 

Đây vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho các lãnh đạo, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề này, tại "Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2019 - Vietnam Young Leaders Forum 2019 (VYLF) diễn ra ngày 13/12, bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc Vintech City, khuyến nghị thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh và nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp cần xác định riêng cho bản thân, cho doanh nghiệp một "làn ranh biên giới" để dẫn đến thành công. 

Phân tích rõ hơn, Tổng Giám đốc Vintech City chia sẻ rằng mỗi người có hai khuynh hướng suy nghĩ khiến bản thân khó bước ra khỏi ranh giới của bản thân. Một là nghĩ họ thấp hơn người khác, khiến cho bản thân lo lắng không thành công, hai là nghĩ bản thân trên người khác quá cao, vì có quá nhiều thành quả.

"Đa số chúng ta thường thuộc nhóm thứ nhất, còn 20 - 30% số thành công còn lại nghĩ rằng họ có một giới hạn khiến cho mình không thể bước lên trên cao hơn nữa", bà nhấn mạnh.

9abd23b43072c92c9063

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc Vintech City. Ảnh: Như Huỳnh.

Cũng theo bà Phi, người quá thành công thường khó thoát ra khỏi cái bóng của chính bản thân. Tư duy đó khiến họ đi lùi lại, hoài nghi về sự thành công, luôn đặt họ cao hơn người khác. 

Sự hoài nghi cùng với những suy nghĩ tiêu cực sẽ làm cho họ không học được những bài học mới để bước ra khỏi "biên giới" của chính bản thân.

Do đó, mỗi người, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp cần đặt cho mình mục tiêu và tìm nhiều giải pháp phấn đấu, tự vượt qua chính bản thân để chạm "làn ranh biên giới" đó.

Tương tự, ông Vũ Ngọc Tâm, sáng lập và điều hành Earable cũng chia sẻ chiến lược thu hút nhân tài cho doanh nghiệp khởi nghiệp, vấn đề mang trí tuệ Việt ra thế giới, giải pháp quản trị "thực chiến"…

"Trước đây, khi tuyển cộng sự ở Mỹ, tôi nghĩ tôi cần phải tìm người đã từng có thành tích cao trong học tập. Nhưng tôi đã nhanh chóng nhận ra điều đó là sai lầm. Khi tôi giao việc, họ không làm được. Có hai trường hợp, trường hợp thứ nhất là việc dễ thì họ làm được ngay, nhưng với việc khó, không làm được thì họ bỏ vì cho rằng mình đã giỏi rồi mà không được thì họ nên dừng lại". 

Do đó ông Tâm cho rằng, các bạn trẻ không nên quá lo lắng về việc họ "không đủ thông minh để làm việc này, không đủ thông minh để làm việc kia", vì không phải ai cũng được như vậy. 

Thực tế cho thấy, người có chỉ số thông minh chỉ cần vượt qua ngưỡng trung bình thì cơ hội thành công bằng với những người có trí thông minh kiệt xuất.

"Nhân tài là vũ khí lợi hại nhất quyết định sống còn của startup công nghệ. Để họ gắn bó lâu dài với team thì không chỉ bởi danh tiếng công ty, mà còn phụ thuộc vào sự chăm chỉ, cầu tiến và cơ hội từ phía họ", ông Vũ Ngọc Tâm nói.

Còn theo bà Lê Diệp Kiều Trang, nhà sáng lập Misfit, cựu Giám đốc Facebook Việt Nam  cho rằng các bạn trẻ đừng tự giới hạn bản thân trong việc gia công lại ý tưởng của nước ngoài mà hãy tự sáng tạo ra những điều mới mẻ thì cơ hội thành công sẽ cao hơn. 

"Các bạn nên làm việc theo nhóm, vì bản thân một người không đủ thời gian và sức lực làm hết công việc, mỗi người giỏi một lĩnh vực, phối hợp với nhau sẽ tạo nên kết quả tốt hơn nhiều", nữ doanh nhân bình luận.

Bà Trang cũng khuyên người giởi nghiệp không nên giới hạn chỉ một công ty, vì chỉ tập trung ở một vài sản phẩm, trong khi tiềm năng của các bạn là rất lớn, có thể mở thêm nhiều công ty hơn", cựu Giám đốc Facebook Việt Nam đưa ra lời khuyên.

4b253d66d8a121ff78b0

Các sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày, giới thiệu tại diễn đàn VYLF 2019. Ảnh: Như Huỳnh.

Cũng tại diễn đàn VYLF 2019, nhiều nhóm sinh viên, học sinh mang đến những mô hình, dự án sáng tạo. Điển hình như nhóm sinh viên Trường Đại học sư phạm kĩ thuật TP HCM đã giới thiệu đề tài bàn ăn hỗ trợ người già, người mắc bệnh Parkinson gây run, cứng cơ, khó vận động với ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giới thiệu đề tài "Đũa Việt" dành cho gia đình, làm quà tặng với giải pháp thủ công mĩ nghệ… 

Ông Lâm Minh Ngọc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, nhận định rằng, thông qua những câu chuyện thật, những bước đi đầu tiên đầy gian nan, trắc trở trong quá trình khởi nghiệp và hành trình nỗ lực vươn đến thành công của các lãnh đạo doanh nghiệp trẻ.

"Đồng thời người nghe cũng sẽ cảm nhận và cùng chia sẻ, thảo luận để tự đúc kết thành những bài học riêng cho bản thân trong hành trình vươn lên khởi nghiệp tự làm giàu chính đáng," ông Lâm Minh Ngọc nhận định.

Như Huỳnh