|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup cam kết giao đồ tươi sống trong 10 phút đóng cửa

09:11 | 14/11/2022
Chia sẻ
Rino hiện đã đóng cửa để chuyển hướng sang mô hình kinh doanh sàn giao dịch xe đã qua sử dụng.

 

 Rino đặt mục tiêu giao hàng nhanh tới người dùng chỉ trong 10 phút. (Ảnh: Rino).

Startup Việt có tên Rino mới đây đã đóng ứng dụng thương mại nhanh (quick commerce) ở Việt Nam để chuyển hướng sang mô hình chợ trao đổi, kinh doanh xe đã qua sử dụng otocity.vn, theo DealStreetAsia. Cũng theo nguồn tin này, ông Nguyễn Trung Thành, người sáng lập Rino, đã xác nhận.

Trước đó, vào trung tuần tháng Hai năm nay, Rino công bố gọi vốn thành công 3 triệu USD trong vòng pre-seed từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm Global Founders Capital (GFC), Sequoia Capital India, Venturra Discovery và Saison Capital.

Giao đồ ăn ở các thành phố tại Việt Nam có thể chỉ mất chưa tới nửa giờ nhưng giao đồ tươi sống thì chậm hơn rất nhiều, có thể lên tới từ 2 đến 3 giờ, ông Nguyễn Trung Thành, người sáng lập Rino, nói với TechCrunch. Bằng cách tạo ra hạ tầng logistics tích hợp với trung tâm là các “dark store” (các cửa hàng lập ra chỉ để phục vụ việc xử lý đơn hàng và giao hàng), ông Thành kỳ vọng Rino có thể cắt giảm thời gian giao hàng xuống chỉ còn 10 phút.

Ba tháng sau đó, trên trang LinkedIn cá nhân, ông Nguyễn Trung Thành vui mừng chia sẻ về việc Rino chính thức triển khai dịch vụ thương mại nhanh tại 6 quận tại TP HCM. Ông Thành nói rằng người dùng có thể đặt hàng từ danh mục gần 2.000 sản phẩm tươi sống và đồ tiêu dùng khác nhau.

Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, trên LinkedIn, ông Thành cũng đã cập nhật lại công việc của mình là người đồng sáng lập và CEO của otocity.com. Ông Thành đã kết thúc công việc tại Rino trong vai trò đồng sáng lậo và CEO từ hồi tháng 8.

Trước khi sáng lập Rino, ông Nguyễn Trung Thành là thành viên sáng lập và giám đốc vận hành của Beamin Việt Nam. Trước đó, ông là giám đốc mảng GrabBike và GrabExpress của Grab Việt Nam.

Khi được hỏi về lý do ông Thành lựa chọn tập trung vào mảng giao hàng tươi sống tại Việt Nam sau khi rời Baemin, ông Thành nói với TechCrunch rằng sự đón nhận nhanh chóng các dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam “tạo ra một đường hướng phát triển rõ ràng cho mảng giao đồ tươi sống”.

“Bốn năm trước, giao đồ ăn ở Việt Nam rất chậm. Các bữa ăn có thể cần tới một giờ để tới tay người dùng, điều này đồng nghĩa với việc bạn cần lên kế hoạch cho các bữa ăn từ trước”, ông Thành nói. “Khi các nền tảng giảm thời gian giao hàng xuống dưới 30 phút, hành vi người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng và mảng này có cơ hội để tăng trưởng gấp 10 lần chỉ sau một khoảng thời gian ngắn”, ông nói thêm.

Ông Thành tin rằng giao đồ tươi sống cũng sẽ phát triển với cùng tốc độ. “Người dùng đã sẵn sàng như các lựa chọn giao hàng hiện tại, bao gồm từ các chuỗi bán lẻ hoặc các nền tảng bên thứ ba giao hàng cho các nhà bán lẻ, đều chậm hoặc có mức độ đáng tin cậy chưa cao”, ông Thành nói.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 được Google, Temasek và Bain & Co công bố hồi tháng 10 năm nay, khi khảo sát về mong muốn sử dụng dịch vụ giao đồ tươi sống tại Việt Nam trong 12 tháng tới, chỉ 17% người tham gia khảo sát cho biết sẽ sử dụng ít hơn. Trong khi đó, 54% người tham gia khảo sát sẽ giữ nguyên mức độ sử dụng và 29% người tham gia khảo sát nói sẽ sử dụng dịch vụ này nhiều hơn.

Nam Khánh

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.