SSI: Vietjet có thể ghi nhận 2.000 tỉ đồng doanh thu bất thường trong quí IV
Trong báo cáo phân tích mới đây Công ty Chứng khoán SSI cho biết hoạt động kinh doanh của CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đi xuống trong ba quí đầu năm 2020 không chỉ thể hiện qua số lỗ thuần gần 2.700 tỉ đồng và lỗ sau thuế hơn 900 tỉ đồng mà còn ở hàng loạt các chỉ tiêu chuyên ngành khác.
Ví dụ: Hệ số tải giảm từ 88% cùng kì năm ngoái xuống còn 75%, số giờ làm việc bình quân trên mỗi tàu bay giảm từ 13,19 giờ xuống còn 9,07 giờ, tổng số chuyến bay 9 tháng là 58.261 chuyến, giảm 43%.
Để giải quyết khó khăn về thanh khoản, hồi tháng 8 Ban lãnh đạo Vietjet đã tính đến phương án bán gần 18 triệu cổ phiếu quĩ. Tuy nhiên khi trao đổi với SSI, đại diện Vietjet cho biết không ưu tiên xem xét phương án này vì không muốn ghi nhận lỗ từ việc bán cổ phiếu quĩ. Trước đây, Vietjet mua cổ phiếu quĩ với giá bình quân khoảng 137.000 đồng/cp trong khi mức giá hiện nay là khoảng 120.000 đồng/cp.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc Vietjet mới đây cho biết hãng bay tư nhân lớn nhất Việt Nam này mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thanh khoản bằng khoản vay lãi suất thấp tương tự như chính sách dành cho Vietnam Airlines (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam).
Vietjet cũng kì vọng Nhà nước kéo dài thời gian giảm giá cất – hạ cánh và điều hành bay, đồng thời nâng mức giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 30% hiện nay lên 70% trong năm 2021.
Về thị trường nước ngoài, Vietjet cho rằng sớm nhất cũng phải đến tháng 7/2021 thì tần suất các chuyến bay quốc tế mới bằng một nửa mức thông thường trước dịch.
Hiện nay toàn bộ 75 tàu bay của Vietjet đều là tàu thuê hoạt động. Phó Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương cho biết Vietjet đã đàm phán với các công ty cho thuê tàu bay để thay đổi cách thức thanh toán tiền thuê, từ một mức cố định sang tính theo giờ bay.
SSI cho rằng việc thay đổi cách thức thanh toán này không có nghĩa là giảm giá thuê nói chung mà giúp Vietjet quản lí tốt hơn lượng tiền mặt dự phòng, đồng thời giúp bên cho thuê duy trì các điều khoản cho thuê ở mức giá cao hơn.
Nếu tàu bay được lấy lại, giá thuê mới có thể chỉ bằng 75-80% so với các điều khoản trước đó, gây thiệt hại cho người cho thuê do giá tàu bay đã giảm so với trước khi có dịch COVID-19.
Trong quí IV/2020, Vietjet dự kiến sẽ có 4-5 tàu bay được bàn giao qua các giao dịch bán và thuê lại (sales and leaseback – SLB) và do đó có thể ghi nhận khoảng 2.000 tỉ đồng doanh thu.
Trong 2-3 năm tới, Vietjet đang có kế hoạch nhận khoảng 10 máy bay thông qua vay ngân hàng và SLB. Trong tháng 1/2021, Vietjet dự kiến sẽ có khoảng ba tàu bay được bàn giao theo phương thức SLB. Lợi nhuận bất thường từ SLB có thể giúp Vietjet xoá một số khoản lỗ, SSI cho hay.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì dự báo hoạt động cốt lõi của Vietjet lỗ khoảng 2.900 tỉ đồng trong năm 2020 vì (1) doanh thu khách luân chuyển (RPK) giảm 67% do thị trường quốc tế vẫn đóng cửa và (2) giá vé máy bay nội địa trung bình giảm 22% so với năm trước.
Lỗ hợp nhất cả năm nay của Vietjet được Chứng khoán Bản Việt ước tính ở khoảng 1.700 tỉ đồng do lỗ ở mảng vận tải được bù đắp bởi hoạt động bán và thuê lại (SLB) và quyền từ chối đầu tiên (ROFR) trong giao dịch tàu bay.