|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietjet và Bamboo đều muốn được hỗ trợ thanh khoản như Vietnam Airlines

14:02 | 26/11/2020
Chia sẻ
Các hãng hàng không trong nước đều muốn Nhà nước tăng cường hỗ trợ thông qua việc kéo dài thời gian cũng như nâng mức giảm thuế, phí. Hai hãng bay tư nhân là Vietjet Air và Bamboo Airways còn mong được hỗ trợ thanh khoản tương tự như Vietnam Airlines.

Tại Hội thảo quốc gia: "Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam" tổ chức sáng 26/11, đại diện các doanh nghiệp hàng không đã nói lên những khó khăn trong hoạt động thời gian dịch bệnh vừa qua, các giải pháp tạm thời cũng như nêu lên mong muốn về chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Vietjet cho biết chính quyền các nước đã đưa ra rất nhiều giải pháp để cứu nguy cho các hãng hàng không như:

Thái Lan chỉ định một ngân hàng quốc doanh để cho vay các hãng hàng không, lãi suất vay ưu đãi chỉ 2% một năm. Tuy nhiên gói vay được ưu tiên dành cho các hãng thuộc sở hữu trong nước nên Vietjet Thái Lan không tiếp cận được.

Chính quyền Hong Kong tung gói cứu trợ gần 1 tỉ USD để hoàn toàn miễn phí điều hành bay và phí đỗ máy bay. Ngoài ra, Hong Kong còn ứng ra 2 tỉ USD để mua 500.000 vé máy bay, qua đó tăng thanh khoản tạm thời cho các hãng hàng không. Về sau, chính quyền sẽ bán lại vé máy bay này cho người tiêu dùng.

Vietjet và Bamboo đều muốn được hỗ trợ thanh khoản như Vietnam Airlines - Ảnh 1.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air. (Ảnh: Đức Quyền.)

Với các hãng bay Việt Nam, lãnh đạo Vietjet cho biết thách thức lớn nhất là về thanh khoản. "Vừa rồi Vietnam Airlines đã được xem xét hỗ trợ về thanh khoản nên Vietjet cũng mong được vay trong khoảng thời gian 3-5 năm từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại (NHTM) và sau đó NHTM cho các doanh nghiệp hàng không vay".

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ có thể chỉ định cụ thể hai ngân hàng có tiềm lực mạnh để họ tham gia hỗ trợ cho ngành hàng không. Sau 3-5 năm trả lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp hàng không sẽ có thể vượt qua khó khăn", Phó Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương cho biết.

Về phía Bamboo Airways, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Hải cho biết hãng mong muốn "Quốc hội và Chính phủ xem xét có gói tài chính hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines".

Vietjet và Bamboo đều muốn được hỗ trợ thanh khoản như Vietnam Airlines - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways. (Ảnh: Đức Quyền.)

Ngoài ra, lãnh đạo Bamboo Airways còn đề nghị Nhà nước tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm đối với giá dịch vụ, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, miễn giảm thêm các loại thuế phí, giãn hoãn thời gian nộp.

Phó Tổng Giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương có chung quan điểm: "Chính phủ Thái Lan đã giảm 96% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Quốc hội Việt Nam đã giảm 30% thuế này đến hết năm 2020. Vietjet đề xuất tiếp tục giảm 70% tới hết năm 2021 để doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn".

"Vietjet mong muốn được Chính phủ hỗ trợ để cân bằng sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước với nhau cũng như giữa các hãng trong nước với các hãng nước ngoài", bà Yến Phương nói thêm.

Ngày 17/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo qui định của Luật Chứng khoán, nhưng được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết trong cả năm 2020, tổng công này dự kiến lỗ khoảng 14.000 - 15.000 tỉ đồng, thâm hụt dòng tiền cũng vào khoảng 15.000 tỉ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm cho thấy Vietnam Airlines đã lỗ sau thuế 10.675 tỉ đồng.

Từ khi các biện pháp hỗ trợ mới là đề xuất, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự không đồng tình với việc Nhà nước tạo cơ chế đặc thù cho Vietnam Airlines - một doanh nghiệp do Nhà nước nắm 86% vốn. 

PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng: Cách nghĩ ưu tiên hãng hàng không Nhà nước mà coi nhẹ hãng bay tư nhân "là tư duy theo cơ chế cũ, lỗi thời, tạo sự bất bình đẳng, hạn chế sự phát triển của xã hội".

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng nên có một gói hỗ trợ cho cả ngành hàng không, thay vì chỉ tập trung vào một doanh nghiệp.

"Theo nguyên tắc thị trường, việc chỉ tính phương án tháo gỡ khó khăn cho một hãng hàng không tạo ra sự thiên lệch giữa các hãng. Tôi cho rằng nên cân nhắc một gói hỗ trợ chung, tùy vào tình hình kinh doanh cụ thể của hãng hàng không mà đưa ra các tiêu chí nhận hỗ trợ, phương án cụ thể tháo gỡ khó khăn cho từng hãng đó", ông Thành nói.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương khuyến nghị nếu đã có phương án tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, cũng nên hỗ trợ cho các hãng bay khác như Vietjet Air, Bamboo Airways. "Bởi việc chỉ ưu tiên giải cứu một hãng sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng", ông Doanh nói.

Đức Quyền