|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI Research: Lợi nhuận của Nam Việt năm 2022 có thể tăng gấp 6 lần nhưng năm 2023 sẽ là giai đoạn suy giảm

16:52 | 17/08/2022
Chia sẻ
SSI Research cho rằng lợi nhuận của Nam Việt trong năm 2022 có thể đạt 870 tỷ đồng tăng 576% so với 2021. Tuy nhiên, bước sang năm 2023 ước tính Nam Việt đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 5,3 nghìn tỷ đồng và 615 tỷ đồng giảm 1% và 29% so với năm 2022.

Mới đây,Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của CTCP Nam Việt (Navico - Mã: ANV) trong năm 2022 lần lượt đạt 5,4 nghìn tỷ đồng tăng 54% so với 2021 và 870 tỷ đồng tăng 576%.

Dự báo này tương ứng với mức tăng trưởng lợi nhuận 948% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2022, vì chi phí phòng dịch trong nửa cuối năm 2021 tăng cao.

Tuy nhiên, giá cá tra có thể đã đạt đỉnh vào quý II. Theo đó, SSI Research dự báo giá bán bình quân sẽ giảm xuống còn 2,4 USD/kg giảm 15% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ tăng trưởng ở mức 15% vào năm 2023. 

“Năm 2023, chúng tôi ước tính Nam Việt đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 5,3 nghìn tỷ đồng và 615 tỷ đồng giảm 1% và 29% so với năm 2022” SSI Research nhận định.

Trong quý II, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 1.305 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 34,7%, cải thiện so với 12,8% của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý II của Nam Việt tăng gấp 9 lần cùng kỳ lên 240 tỷ đồng và là kết quả cao nhất tính theo quý kể từ quý IV/2018.

 H.Mĩ tổng hợp từ BCTC Nam Việt

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 41%. Lợi nhuận sau thuế 447 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp ở mức 32% nhờ việc tự chủ 100% nguyên liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, Nam Việt có tỷ trọng hợp đồng bán hàng CFR/FOB cao hơn so với đối thủ cạnh tranh. Hợp đồng CFR sẽ có mức giá bán cao hơn vì đã bao gồm phí vận chuyển trong khi giá của hợp đồng FOB không bao gồm phí vận chuyển.

Điều này dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp của Nam Việt cao hơn, nhưng chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ ghi vào chi phí bán hàng của công ty, nên tỷ suất lợi nhuận ròng lại thấp hơn.

Với kết quả này, Nam Việt đã thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu, 51% kế hoạch lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh của Nam Việt tăng trưởng mạnh nhờ giá bán cá tra phục hồi nhanh sau thời kỳ khủng hoảng năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Nam Việt đặt mục tiêu dài hạn chiếm 10% thị phần nhập khẩu cá tra của Mỹ. Tại Việt Nam, 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu chiếm 77% kim ngạch nhập khẩu của thị trường Mỹ (riêng Vĩnh Hoàn chiếm 43%). 

 H.Mĩ tổng hợp từ bản tin IR của Nam Việt

Công ty sẽ xuất khẩu 5 container cá tra sang Mỹ vào tháng 8 với giá xuất khẩu 5 USD/kg, cao hơn giá bán bình quân trong nửa đầu năm 2022 là 2,9 USD/kg. 

SSI Research ước tính sang năm 2023, thị trường Mỹ sẽ chiếm tới 16% doanh thu hàng tháng của công ty vào năm 2023. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển cao sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu, do chi phí bán hàng tăng cao.

Trong tháng 8, tỷ lệ chi phí vận chuyển trên doanh thu sang thị trường Mỹ có thể xấp xỉ 7%. Trong khi đó, tỷ lệ này là chỉ ở mức khoảng 1% trong giai đoạn trước COVID-19. Cùng với đó, tồn kho cá tra tại Mỹ đang ở mức cao và nhu cầu cá tra thấp hơn dự kiến. Do đó, giá cá tra tại thị trường Mỹ đã đạt đỉnh vào quý II.

Nam Việt cũng đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, với nhu cầu cá tra sẽ tăng nhanh khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn sau khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội do COVID-19. Trong tháng 7, giá cá tra phi lê tại thị trường Mỹ ở mức 4,3-5,6 USD/kg, trong khi giá tại thị trường Trung Quốc thấp hơn, dao động trong khoảng 2,5- 2,9 USD/kg. 

H.Mĩ