Lạm phát cao kỷ lục ở EU: Cơ hội cho cá tra nhưng là sức ép với ngành tôm
Cá tra sẽ được hưởng lợi vì lạm phát, EVFTA và thiếu hụt cá thịt trắng ở Châu Âu
Tại toạ đàm “Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng”, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết bối cảnh lạm phát cao ở EU, lợi thế về thuế quan mà EVFTA bộc lộ rõ nét khi xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm tăng 40% so với cùng kỳ lên gần 700 triệu USD.
Trong đó, các mặt hàng chính tăng 30 - 90%. Riêng mặt hàng cá tra tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến giữa tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt gần 122 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021 và đã vượt kim ngạch cá tra cả năm 2021 sang thị trường này (106 triệu USD). Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng cá tra sau một thời gian dài liên tục sụt giảm xuất khẩu sang EU từ năm 2010 trở lại đây.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, bà Hằng cho rằng áp lực lạm phát sẽ đè nặng lên mặt hàng có giá cao như tôm, mực nhưng lại là cơ hội với những mặt hàng có giá vừa phải như cá tra.
“Người tiêu dùng EU sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu và tập trung nhiều vào những mặt hàng có giá trị vừa phải. Đây là cơ hội cho cá tra và surimi nhưng lại là thách thức đối với mặt hàng có giá cao hơn như tôm, mực, bạch tuộc”, bà Hằng cho hay.
Bên cạnh đó, việc EU áp lệnh trừng phạt lên cá thịt trắng của Nga cũng được xem là cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam.
Mới đây, VASEP nhận định: “Thiếu nguyên liệu cá thịt trắng giữa bối cảnh lạm phát tăng kỷ lục tại EU, đó lại là cơ hội lớn cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Thuế quan ưu đãi EVFTA càng phát huy thêm lợi thế cho cá tra Việt Nam sang EU trong năm 2022”.
Với những cơ hội thị trường và lợi thế từ EVFTA, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sang EU nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng cao và cả năm 2022 sẽ mang về lượng ngoại tệ khoảng trên 200 triệu USD, tăng 90% so với năm 2021.
Áp lực lạm phát và cạnh tranh gay gắt đè nặng lên ngành tôm
Trong khi đó, với mặt hàng tôm, ngoài sức ép về lạm phát có thể khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu những sản phẩm có giá trị cao, việc phải cạnh tranh với những đối thủ lớn như Ecuador và Ấn Độ được dự báo sẽ ngày một gay gắt hơn.
Những quốc gia này vốn có lợi thế về sản lượng (đứng số 1 và 2 thế giới), giá rẻ nay còn lợi thế về cước tàu.
Bà Hằng cho biết trong khi cước tàu của Việt Nam sang EU chỉ tăng 4 - 6 lần thì cước ở hai quốc gia này chỉ tăng 2 lần.
Theo số liệu của VASEP, xuất khẩu tôm sang EU trong 6 tháng đầu năm tăng 48% lên 378 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong quý II năm nay thấp hơn so với các tháng trong quý I.
“Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong những tháng tới sẽ tiếp tục phải chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EUR mất giá so với USD.
Nền kinh tế các nước châu Âu cũng đang phải đối phó với khủng hoảng từ căng thẳng Nga-Ukraine, chi phí xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng cao. Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU những tháng tiếp theo có thể chững và dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm”, VASEP nhận định.
Ngoài ra, theo bà Hằng, việc tỷ giá EUR/USD ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm có thể khiến nhà nhập khẩu thương lượng giảm giá hoặc trì hoãn thời gian giao hàng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/