SSI Research: Chi phí đầu vào cao hơn sẽ tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp năm 2023 của Sabeco
Ngày 9/2, SSI Reasearch đã tham dự cuộc họp chuyên viên phân tích của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) để thảo luận về kết quả quý IV/2022 và triển vọng năm 2023.
Quý IV/2022, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.029 tỷ đồng tăng 11%, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.076 tỷ đồng giảm 23% so với cùng kỳ do chi phí nguyên liệu thô, chi phí quảng cáo, khuyến mãi cao tăng cao.
Ban lãnh đạo Sabeco cho biết, chi phí đầu vào sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2023 và bắt đầu chững lại vào năm 2024. Trong khi đó, công ty tiếp tục mạnh tay cắt giảm chi phí sản xuất và cải thiện cơ cấu sản phẩm để duy trì biên lợi nhuận tốt.
Trong quý IV/2022, tỷ suất lợi nhuận gộp của Sabeco giảm từ 31,2% xuống 28,1 do chi phí đầu vào cao hơn. Hợp đồng bảo hiểm rủi ro của mạch nha và nhôm đã hết hạn, điều này có nghĩa là chi phí đầu vào cao hơn sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm 2023.
Ban lãnh đạo Sabeco cho rằng, giá mạch nha sẽ đạt mức cao nhất trong năm 2023 và bắt đầu chững lại từ năm 2024. Trong khi đó, SSI Research nhận thấy chi phí nhôm có xu hướng giảm đi với mức giảm khoảng 35% so với mức cao nhất năm 2022.
Ban lãnh đạo Sabeco đã chú trọng đến việc duy trì tỷ suất lợi nhuận ở mức lành mạnh thông qua các nỗ lực: Tăng giá khi có thể; Cải thiện danh mục sản phẩm; Cắt giảm chi phí mạnh mẽ nhờ tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng và tăng cường hiệu quả vận chuyển.
Về thị phần, ban lãnh đạo cho biết, Sabeco đã tăng thị phần trong năm 2022, quay lại gần mức thị phần cao nhất lịch sử trong năm 2019 (khoảng 40% theo dữ liệu của Euromonitor) do danh mục đầu tư chính của SAB được duy trì tốt (trong đó Saigon Lager đã giành thêm được thị phần). Saigon Special cũng đạt được sự cải thiện đáng kể về doanh số sau khi mở bán trở lại.
SSI Research dự báo, bất chấp những trở ngại từ tình hình vĩ mô và sự cắt giảm chi tiêu những sản phẩm rẻ hơn của người tiêu dùng, Sabeco vẫn được hưởng lợi nhờ thế mạnh của công ty trong phân khúc phổ thông.
Đặc biệt, những kế hoạch M&A (mua bán – sáp nhập) của Sabeco mới đây sẽ là động lực phát triển dài hạn, khi mới đây, HĐQT công ty vừa thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu của Sabeco tại CTCP Tập Đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) và CTCP Tập Đoàn Bao Bì Sài Gòn. Sau khi hoàn thành các thủ tục, hai công ty này sẽ trở thành công ty con của Sabeco.
SSI Research cho rằng, hai giao dịch M&A trên sẽ giúp Sabeco cải thiện doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp trong trung hạn. Trên thực tế, công ty có thể thu được nhiều lợi ích từ giao dịch M&A như: Sabibeco sở hữu danh mục sản phẩm lành mạnh với thương hiệu Sagota (đơn vị có nhiều sản phẩm đa dạng bao gồm bia không cồn).
Ngoài ra, công ty có thể mở rộng năng lực sản xuất, đặc biệt là dây chuyền đóng gói trong mùa cao điểm, vốn phụ thuộc nhiều vào các công ty liên kết; mở rộng từ mạng lưới phân phối của Sabibeco; kiểm soát tốt hơn chất lượng bia và hiệu quả sản xuất.
Song, với những khó khăn trong tình hình kinh tế vĩ mô và sức tiêu thụ yếu 6 tháng đầu năm, ban lãnh đạo Sabeco dự báo doanh thu sẽ bị ảnh hưởng nhưng được cải thiện trong nửa cuối năm.
SSI Research dự phóng, năm 2023, Sabeco sẽ ghi nhận 38.694 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 10,6% và 5.783 tỷ đồng lợi nhuận ròng tăng 5,2% so với năm trước. Đến năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của công ty có thể đạt lần lượt là 40.702 tỷ đồng (tăng 5,2% so với cùng kỳ) và 6.092 tỷ đồng (tăng 5,3% so với cùng kỳ).
Theo đơn vị phân tích, dự báo kết quả kinh doanh này chưa tính đến giao dịch M&A sủa Sabeco liên quan đến Sabibeco và công ty liên kết đóng gói gần đây.