|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

S&P 500, Nasdaq giảm sâu nhất trong gần hai năm khi các ông lớn công nghệ gây thất vọng

07:00 | 25/07/2024
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ tiếp tục bị báo tháo khi kết quả kinh doanh của hai ông lớn Alphabet và Tesla không đạt kỳ vọng của thị trường.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 24/7, chỉ số S&P 500 mất 2,31% và đóng cửa với 5.427 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 3,64% xuống 17.342 điểm. Hai chỉ số này vừa trải qua phiên giảm điểm sâu nhất kể từ cuối năm 2022.

Đồng thời, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng tụt 504 điểm, tương đương 1,25% và chốt phiên ở mức 39.855 điểm. Chỉ số của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa Russell 2000 cũng đi xuống 2,1%. 

Tuy nhiên, trong tháng qua, Russell 2000 đã tăng 7,2% trong bối cảnh các nhà đầu tư chuyển từ cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sang những tên tuổi nhỏ hơn. Trong tháng 7, chỉ số Dow đã tăng 1,9%, trong khi S&P 500 giảm 0,6% và chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ mất 2,2%. 

Tuần trước, chứng khoán Mỹ cũng bị bán tháo. 

Ngày 24/7, cổ phiếu của Alphabet (Google) giảm 5%, ghi nhận phiên mất giá sâu nhất kể từ ngày 31/1. Alphabet báo cáo kết quả kinh doanh quý II vượt kỳ vọng của Phố Wall về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh thu quảng cáo trên YouTube lại thấp hơn ước tính.

Trong khi đó, cổ phiếu Tesla giảm 12,3%, ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2022. Công ty xe điện này báo cáo kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng, trong đó doanh thu bán ô tô giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. 

Cổ phiếu Tesla mất hơn 12% chỉ trong một phiên. 

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác cũng theo đà giảm giá. Nvidia và Meta (Facebook) lần lượt mất 6,8% và 5,6%, trong khi Microsoft giảm 3,6%.

Ngoài ra, cổ phiếu VinFast (VFS) giảm 7,52% xuống 4,06 USD/cp, tương ứng vốn hóa 9,5 tỷ USD. Đây là mức chốt phiên thấp nhất của cổ phiếu này kể từ đầu tháng 7. 

Báo cáo tài chính từ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn được Phố Wall đặc biệt quan tâm bởi nhóm này đóng góp phần lớn sự tăng trưởng trong năm 2024. 

Đợt bán tháo hôm 24/7 là kết quả khi thị trường bị quá mua (overbought), nhà đầu tư kỳ vọng lớn về lợi nhuận và cổ phiếu suy yếu theo mùa vụ. Theo ông Ross Mayfield, chiến lược gia đầu tư tại Baird, những yếu tố trên là lý do khiến đợt bán tháo này không gây bất ngờ cho nhà đầu tư.

“Chúng tôi coi một sự điều chỉnh lành mạnh trong bối cảnh thị trường giá lên là cơ hội, thay vì là thời điểm để phòng thủ hoặc cố gắng bảo vệ danh mục khỏi sự biến động”, ông nói thêm. 

Sau đợt bán tháo, S&P 500 vẫn đang tăng 13,5% kể từ đầu năm.

Bất chấp kết quả kém sắc từ những gã khổng lồ công nghệ vốn hóa lớn, mùa báo cáo kết quả kinh doanh nhìn chung đã có một khởi đầu thuận lợi. Theo dữ liệu từ FactSet, hơn 25% công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả quý II, với khoản 80% vượt kỳ vọng. 

Không phải tất cả nhóm ngành đều bị bán tháo trong phiên 24/7.

Ngoài báo cáo của Tesla và Alphabet, thị trường cũng đã lo lắng về dữ liệu sản xuất của Mỹ. Ước tính sơ bộ PMI tháng 7 đã giảm xuống 49,5%, rơi vào vùng thu hẹp do số lượng đơn đặt hàng mới, sản xuất và hàng tồn kho đều giảm. Theo Dow Jones, các nhà kinh tế từng dự báo chỉ số này ở mức 51,5.

Một báo cáo khác lại cho thấy doanh số nhà mới trong tháng 6 thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế.  

Minh Quang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.