S&P 500 năm 2017 có thể chỉ tăng vài phần trăm
Ảnh minh hoa: Getty |
Chứng khoán Mỹ đã kết thúc năm 2016 với mức tăng khá ấn tượng. Dow Jones tăng gần 14%, Nasdaq tăng 9% và S&P 500 tăng gần 11%. Bất chấp đà bán tháo trong tuần giữa Giáng sinh và Năm mới, S&P 500 vẫn kết thúc năm 2016 với mức tăng mạnh hơn 3% so với trung bình dự báo của các chiến lược gia cách đây một năm.
Tuy nhiên, năm 2017, đánh giá của giới chuyên gia với S&P 500 rất khác nhau. Có người cho rằng kết thúc năm tới, chỉ số này sẽ tăng 1,7%. Nhưng có người cho rằng nó sẽ tăng tới 10,6%.
Họ đều đồng ý chiến thắng của ông Donald Trump sẽ mang lại hy vọng đáng kể cho chứng khoán Mỹ. Do ông đề xuất giảm quy định kiểm soát và thuế thu nhập với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khả năng gây biến động của Trump chỉ bằng một dòng tweet cũng khiến chỉ số đo biến động - VIX được dự báo tăng vọt năm tới.
Sam Stovall – chiến lược gia tại S&P Global và John Stoltzfus – chiến lược gia đầu tư tại Oppenheime là những người dự báo sát nhất cho S&P 500 năm ngoái. Năm tới, Stoltzfus dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và kinh tế thế giới cũng hồi phục, bất chấp biến động địa chính trị.
“Chúng tôi cho rằng ảnh hưởng từ chương trình kích thích sẽ chưa thể phản ánh rõ trong nền kinh tế, cho đến khi các chính sách nới lỏng tài khóa được thực hiện và có hiệu quả”, Stoltzfus cho biết. Ông dự báo S&P 500 sẽ kết thúc năm 2017 tại 2.300 điểm
Stovall thì nhận định đời Tổng thống nào của đảng Cộng hòa cũng khiến Mỹ bị suy thoái trong nhiệm kỳ đầu. Dù vậy, GDP Mỹ sẽ vẫn tăng nhẹ năm 2017, còn chứng khoán sẽ tăng với tốc độ một chữ số, do đà phục hồi từ năm 2016, lên 2.250 điểm.
Dưới đây là một số dự báo của các chiến lược gia khác về diễn biến của chỉ số S&P 500 năm 2017:
David Kostin, Goldman Sachs (2.300 điểm): Kostin dự báo đà tăng sẽ tiếp tục trong ngắn hạn. Cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng sẽ làm tăng hy vọng cho nhà đầu tư. Đến nửa cuối năm, chỉ số này sẽ đi xuống, do thị trường chuyển sang lo ngại lạm phát cao và lãi suất tăng.
Savita Subramanian – chiến lược gia tại Bank of America Merrill Lynch (2.300 điểm): Tăng trưởng GDP tại Mỹ và toàn cầu tăng tốc, cùng giá dầu nhích lên sẽ đẩy mạnh lợi nhuận của các công ty. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường sẽ dao động khá lớn, khi ông Trump thực hiện các chính sách cam kết khi tranh cử. Subramanian dự báo S&P 500 có thể xuống 1.600 điểm, hoặc lên 2.700 điểm.
Theo ông, dù Mỹ có rơi vào suy thoái năm 2017 hay không, tăng trưởng vẫn có thể khiến thị trường thất vọng nếu không tăng tốc năm tới. Vì thế, thời gian tới, họ sẽ theo dõi chặt các bình luận về thương mại của ông Trump, bình luận của nghị sĩ đảng cộng hòa Mỹ tại Hạ viện về thâm hụt và chi tiêu, cũng như tình hình tín dụng trong nước tệ đi hay được cải thiện.
Andrew Garthwaite, Credit Suisse (2.300 điểm): Garthwaite dự báo đà tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận và thanh khoản đều tăng, có thể kéo S&P 500 lên 2.350 điểm vào giữa năm. Sau đó, chỉ số này sẽ đi xuống khi lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm 3%. Lãi suất này hiện là 2,54% và đã tăng mạnh từ sau bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 10.
Adam Parker, Morgan Stanley (2.300 điểm): Thị trường có thể tăng tốc hoặc giảm tốc năm 2017. Parker cho rằng tăng trưởng kinh tế cao và dòng tiền chảy vào cổ phiếu sẽ bù đắp được các biến động trên.
Brian Belski, chiến lược gia đầu tư tại BMO Capital (2.350 điểm): Belski cho rằng “bức tường lo lắng” mà thị trường chứng khoán đã dựng lên suốt 8 năm qua vẫn sẽ có tác động đến ông Trump. Vì thế, ông cho rằng xu hướng chung của thị trường vẫn là đi lên, dù có nhiều biến động.
David Bianco, chiến lược gia Deutsche Bank (2.350 điểm): Một trong những lực đẩy lớn nhất với cổ phiếu sẽ là thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm bao nhiêu. Thuế này cứ giảm 5% từ mốc 35% hiện tại, hệ số lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của S&P 500 sẽ tăng thêm 5 USD. Theo đó, nếu giảm xuống 25%, EPS sẽ tăng 10 USD, kéo S&P 500 lên 2.400 điểm cuối năm.
Dubravko Lakos-Bujas, J.P. Morgan (2.400 điểm): Ông cho rằng bất ổn nằm ở việc Trump sẽ cân bằng thế nào giữa chính sách thực tế và cam kết tranh cử. “Dù các chính sách của ông chủ yếu có lợi cho chứng khoán, một số phát ngôn bạo miệng có thể khiến nền kinh tế bị gián đoạn, như tăng thuế nhập khẩu hay dọa rút khỏi các hiệp định thương mại”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, rủi ro lớn nhất là đồng USD mạnh lên và lãi suất tăng. Việc này có thể khiến lợi nhuận các công ty bị ảnh hưởng, nếu kinh tế không tăng trưởng mạnh hơn.
Jonathan Golub, chiến lược gia tại RBC Capital Markets (2.500 điểm): Golub là người dự báo mức tăng cao nhất trong những người được khảo sát. Ông cho rằng việc Trump đắc cử sẽ mang lại “sự biến đổi về mô hình lớn nhất từ thời Tổng thống Reagan”. Đó là lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm làm tăng lợi nhuận các công ty. Bên cạnh đó, việc giảm quy định kiểm soát sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng năng suất lao động và hỗ trợ thị trường tài chính. Tiêu dùng cũng sẽ cải thiện khi lương tăng lên.