Việt Nam xếp hạng 54/65 về mức độ 'khốn khổ' năm 2017
Kinh tế Việt Nam xếp hạng 64/65 về mức độ khốn khổ. Ảnh: EPA |
2016 là một năm đầy những cú sốc chính trị. 2017 có thể là năm những cú sốc đó sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bloomberg hôm nay vừa công bố bảng xếp hạng "Bloomberg Misery Index", đo mức độ "khổ sở" của 65 nền kinh tế dựa trên đánh giá về lạm phát, thất nghiệp. Điểm càng cao thì càng "khốn khổ".
Đây là năm thứ ba Bloomberg công bố chỉ số này, và Venezuela tiếp tục là nước đứng đầu bảng. Nước xếp cuối bảng, tức có triển vọng sáng sủa nhất, là Thái Lan. Tuy vậy, chủ yếu Thái Lan đứng đầu vì cách tính toán tỷ lệ thất nghiệp độc nhất vô nhị.
Việt Nam xếp ở nhóm 12 nước cuối bảng, tức "ít khốn khổ" nhất trong năm 2017. Mức điểm của Việt Nam là 6,2, xấp xỉ các nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Hong Kong, New Zealand, Trung Quốc.
Việt Nam nằm trong nhóm 12 nền kinh tế "ít khốn khổ" nhất. |
Còn với nước đứng đầu là Venezuela, kinh tế đã nhiều năm trong tình trạng khốn khổ. Giá dầu giảm gây ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu chủ lực duy nhất. Khi kinh tế khủng hoảng, kệ hàng trong siêu thị trống không, bệnh viên thiếu những phương tiện y tế cơ bản nhất, bạo lực dâng cao khi sự thất vọng khiến người dân trở nên giận dữ.
Venezuela không còn công bố các số liệu kinh tế kể từ năm 2015, nhưng một báo cáo của Bloomberg ghi nhận rằng giá mỗi tách cafe tại đây tăng giá 1.419 lần kể từ giữa tháng 8 năm ngoái. Giới chuyên gia dự đoán giá cả sẽ còn tăng gấp 6 lần trong năm nay. Mức điểm trên thang khốn khổ của Venezuela xấp xỉ 500, cao gấp 15 lần nước đứng kế tiếp.
Thụt lùi nhất trong xếp hạng năm nay là Ba Lan, từ vị trí 45 năm ngoái lên 28 năm nay trên thang khốn khổ. Dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể kể từ sau khủng hoảng tài chính, lạm phát Ba Lan tăng lên 1,8% hồi tháng một sau một thời kỳ dài giảm phát. Tương tự, tình trạng giá cả đi lên ở Romania, Estonia, Latvia, Slovakia cũng khiến các nước này tăng bậc.
Peru là một trong những nước cải thiện nhất, giảm 13 bậc. Lý do là hồi 2016, nước này bị xếp hạng cao vì tình trạng lạm phát, thất nghiệp cao. Ngoài ra, những nền kinh tế có sự cải thiện đáng kể gồm Hong Kong, Đài Loan, Hà Lan, Trung Quốc, Ecuador, Nga. Nước Mỹ vẫn nằm trong nhóm 20 nền kinh tế ít khổ sở nhất, dù tệ hơn vài bậc so với Trung Quốc.