Sông Danube trở thành 'phao cứu sinh' cho ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine
Tại cảng Izmail của Ukraine trên sông Danube, ranh giới giữa nước này với Romania, những chiếc xe tải chở ngũ cốc đang xếp thành hàng.
Cách đó vài chục km, cảng Sulina của Romani, nơi dòng sông đổ vào Biển Đen, những con tàu đang đợi hàng.
Các thủy thủ cho biết chưa bao giờ có nhiều tàu các loại và của nhiều nước như vậy cập cảng Sulina. Những con tàu đang đợi để tới Ukraine chở ngũ cốc kể từ khi tình trạng phong tỏa các cảng của nước này diễn ra, làm tê liệt hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ một trong những nước sản xuất lớn nhất thế giới.
Theo cựu Phó Chủ tịch Hội đồng khu vực Odessa, Yuriy Dimchoglo, vận chuyển hàng qua sông Danube là một lựa chọn thay thế, nhưng vấn đề lớn là cơ sở hạ tầng. Khi từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng Hai, chỉ 1,5 triệu tấn ngũ cốc được xuất khẩu qua sông Danube, trong khi 20-25 triệu tấn bị mắc kẹt.
Dù vậy, lộ trình này cũng có những trở ngại. Khi các xe tải chở hàng tới từ phía Nam Ukraine với hy vọng hàng sẽ được vận chuyển qua sông Danube, giao thông đã tắc nghẽn. Và cảng Izmail cũng quá đông đúc.
Một tài xế xe tải là anh Sergiy Gavrilenko cho biết, thời gian để dỡ hàng trước xung đột là một ngày, thì nay phải mất ba ngày.
Những con tàu chở hàng trên sông Danube tới Biển Đen vẫn đang tiếp tục hành trình.
Một quan chức Bộ Giao thông Romania, Ion Popa, xác nhận mật độ giao thông tháng 5/2022 tăng gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái. Ông cho biết việc kiểm soát sự gia tăng này là một nỗ lực của Romania và hy vọng sẽ có sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu.
Sau khi đổ lỗi lẫn nhau về tình trạng tắc nghẽn, Romania và Ukraine đã ban hành chỉ thị chung vào cuối tháng Năm, quyết định về trật tự các tàu vào sông Danube. Những tàu chở ngũ cốc sẽ được ưu tiên.
Trong khi đó, tại một cảng trên Biển Đen của Romani là Constanta, gần 700.000 tấn nông sản của Ukraine đã được vận chuyển tới bằng tàu biển, tàu hỏa và xe tải kể từ khi xung đột xảy ra.