|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Sống chết' với start-up tự nhiên

08:58 | 28/10/2018
Chia sẻ
Những năm gần đây, xu hướng làm vườn sinh thái càng được nhiều người trẻ ủng hộ, dù rất cực nhọc và khác với nhận thức của số đông trong xã hội.
song chet voi start up tu nhien Sẽ triệt tiêu các mô hình start-up
song chet voi start up tu nhien Bí quyết giúp start-up gọi vốn thành công dù số liệu 'xấu'

Bản thân công việc start-up đầy khó khăn và dễ vấp ngã nhưng lựa chọn khởi nghiệp với làm vườn sinh thái tự nhiên còn nặng nề hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất bát.

Phân biệt các chuẩn sạch

Với chuẩn thông thường của xã hội Việt hiện nay, chỉ cần giữ được các tiêu chí sạch đã là tốt, nghĩa là quá trình nuôi trồng, chế biến vẫn sử dụng các chất hóa học nhưng thực hiện đúng quy trình, không để lại dư lượng thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích, thuốc trừ sâu trên thành phẩm vượt quá mức độ cho phép khi bán ra thị trường.

Sau khái niệm sạch, người tiêu dùng mới chú ý đến hữu cơ (organic), bao gồm rau củ quả, trái cây, ngũ cốc, thịt, các sản phẩm từ sữa, trứng, mật ong… từ nguồn sản xuất không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Sản xuất thực phẩm hữu cơ đòi hỏi thực hiện trong một hệ sinh thái bảo đảm, không được gần các nhà máy công nghiệp, không gần quốc lộ, tại vùng đất nền và nguồn nước có dư lượng kim loại và các chất độc tự nhiên thấp. Nguồn nước tưới và chăn nuôi phải là nước giếng sạch, không phải nước sông.

Mấy năm gần đây, khá nhiều gương mặt trẻ lựa chọn start-up theo hướng khắc nghiệt hơn: vườn sinh thái hoàn toàn tự nhiên. Nghĩa là các vùng nuôi trồng này đều phải được lựa chọn rất kỹ đã đành mà nông dân ngoài bảo đảm không sử dụng bất cứ hóa chất nào còn không được nhổ cỏ dại, tưới nước cho cây, bắt sâu bệnh. Cả quá trình trồng cấy phải được để yên cho tự nhiên điều chỉnh lẫn nhau, con người hầu như không can thiệp.

song chet voi start up tu nhien
Đoàn Ngọc Minh Thùy nghiên cứu về tinh dầu. Ảnh: MINH TUỆ

Thỏa khao khát, đam mê

Những người theo đuổi làm vườn sinh thái tự nhiên đều phải đối mặt với nguy cơ thất bát quá lớn do sâu bệnh, mất mùa, bão lũ, thậm chí chỉ mùa nắng hạn ở miền Tây hay mùa mưa trên cao nguyên kéo quá dài đều có thể mất sạch mùa vụ.

"Người nông dân Bến Tre không được tưới nước cho vườn, chỉ lấy bùn sình từ kênh rạch đắp lên vườn giữ ẩm, nhổ cỏ ở mức độ cho phép và phải bỏ lại cỏ ngay dưới gốc cây để quá trình phân hủy tự lên mùn, tạo ra phân bón vi sinh. Ngoài ra, không được sử dụng bất cứ loại hình chăm bón nào, kể cả phân súc vật nuôi trong vườn như bò, gà… Để bảo đảm điều đó, gia đình tôi đã chuyển từ TP HCM về Bến Tre sống cùng với nông dân trong suốt 3 năm liền và chỉ đưa những khu vườn còn hoang vào dự án. Nếu chủ vườn nào đã bón phân thì không thể thay đổi được suy nghĩ của họ" - Nguyễn Thị Thái Bình, điều hành dự án One4One, cho biết về lựa chọn canh tác của mình sau khi du học và nghiên cứu về môi trường tại Thụy Sĩ, Tây Ban Nha rồi trở về vùng đất quê hương của Nguyễn Minh Tuấn - vừa là chồng và cũng là cộng sự cùng nhau sáng lập doanh nghiệp xã hội One4One.

Những trái bưởi da xanh được One4One đặt trồng ở Mỏ Cày (Bến Tre) nhìn xấu hơn hẳn những trái bưởi cùng loại đang bán trên thị trường nhưng ăn có vị đậm, ngọt tự nhiên. Thái Bình cho biết dự án chỉ lựa chọn nhân giống những loại cây trái thuần chủng, chưa qua lai tạo. Cũng như các trái khác mà One4One lựa chọn đầu tư là cam sành, chuối, vú sữa, quýt... đều là những giống gốc, được trồng lẫn trong các khu vườn sinh thái tự nhiên, tạo thành nhiều tầng thực vật khác nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình xen canh hoàn toàn tự nhiên.

"Bưởi da xanh, dừa và các sản phẩm từ dừa là những loại cây cho giá trị cao nhưng các trái khác thì không. Cam sành, quýt tự nhiên vị rất chua, nên nhiều bà nội trợ vẫn chưa hiểu và lựa chọn mua loại trái cây này; chuối, vú sữa… chín nhanh và khó bảo quản; vì thế rất khó có hiệu quả kinh tế. Biết vậy nhưng vẫn phải bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ các vườn sinh thái tự nhiên thì bà con mới yên tâm trồng theo phương pháp này" - Thái Bình cho biết.

Ba dự án về sinh kế bền vững được One4One triển khai ở tỉnh Bến Tre, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Có những vùng One4One phải hỗ trợ bà con nông dân 3 năm liền mới ra được sản phẩm. Mỗi vườn sinh thái đều phải có hệ thống giám sát chặt chẽ, các phương pháp thử sản phẩm khoa học và đạt chuẩn công bố chất lượng sản phẩm của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế.

Còn nữ thạc sĩ Nguyễn Tường Miên thì bỏ Sài thành lên Đà Lạt sống một mình trong khu vườn Tùng Hạ trên đèo Tà Nung để cải tạo đất đai, qua nhiều mùa thất bại, cuối cùng cũng vượt qua thời tiết lạnh, sâu bệnh và trồng được thành công vườn hoa lavender (oải hương) xuất xứ nhiệt đới, giống của Pháp, theo phương pháp canh tác hoàn toàn tự nhiên.

Đoàn Ngọc Minh Thùy - cô kỹ sư sinh học ở Đồng Tháp quanh năm đi các tỉnh phía Nam thu gom tất cả các trái phế phẩm từ các vườn sinh thái để chế biến tinh dầu sạch. "Gom hàng xong, phải tính phương án vận chuyển. Cực lắm, nhưng làm để ủng hộ bà con nông dân yên tâm trồng theo phương pháp tự nhiên" - Minh Thùy, start-up với Công ty TNHH Tinh dầu Hương Đồng Tháp, hồn hậu nói.

Tháng 11-2016, Minh Thùy lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp toàn quốc do trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tổ chức. Tinh dầu Hương Đồng Tháp ngày càng khẳng định uy tín với các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên: Tinh dầu cam, bưởi, quýt, sả chanh, bạc hà, tràm gió, xà bông sen.

Xem thêm

Hòa Bình