|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sớm đấu giá băng tần 5G: Cú hích cho nền kinh tế số

11:08 | 20/02/2020
Chia sẻ
Việc sớm đấu giá băng tần 5G không chỉ thu về 10.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, mà còn mang lại nguồn tài nguyên, hạ tầng số để các doanh nghiệp khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Sớm đấu giá băng tần 5G: Cú hích cho nền kinh tế số - Ảnh 1.

Một trạm 5G của Viettel tại Hà Nội.

“Mỏ vàng”

Thái Lan vừa cho biết, nước này đã thu về 100,52 tỷ baht (3,2 tỷ USD) từ đấu giá băng tần 5G hôm 16/2/2020, bán 48 giấy phép cho các nhà mạng trong cuộc đấu giá kéo dài 5 giờ đồng hồ. Các băng tần đấu giá là 10 MHz, 100 MHz, 700 MHz và 2.600 MHz, với các hình thức trả tiền trong vòng từ 1 năm đến 10 năm.

Theo Ủy ban Viễn thông và Truyền hình quốc gia Thái Lan, 5G được kỳ vọng giúp kinh tế Thái Lan tăng thêm ít nhất 177 tỷ baht trong năm nay, bằng 1,02% GDP của nước này.

Trước đó, vào tháng 10/2019, Chính phủ Hàn Quốc đã đi trước một bước bằng việc tiến hành đấu giá phổ tần 5G trước một năm so với kế hoạch. Cuộc đấu giá này đã cung cấp tổng cộng 280 MHz trong băng tần 3,5 GHz và 2.400 MHz trong băng tần 28 GHz, với tổng chi phí mà các nhà khai thác phải trả là 3,3 tỷ USD.

Ngược lại, tại cuộc đấu giá phổ tần 5G của Đức diễn ra vào tháng 7/2019, các nhà khai thác đã phải trả số tiền lên đến 7,3 tỷ USD cho lượng phổ tần hẹp hơn nhiều (tổng cộng chỉ có 420 MHz được bán ra, trong đó có 120 MHz trong băng tần 2.100 MHz và 300 MHz trong băng tần 3,6 GHz)…

Có thể thấy, tần số không chỉ là một “mỏ vàng” mang lại nguồn ngân sách rất lớn cho đất nước, mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế.

Tại cuộc Giao ban Quản lý nhà nước tháng 2/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chỉ riêng đấu thầu băng tần 2,6 GHz sẽ thu được chừng 6.000 tỉ đồng; nếu năm nay đấu thầu cả các băng tần khác nữa, thì có khi thu đến 8.000 tỉ đồng, thậm chí 10.000 tỉ đồng. “10.000 tỉ đồng là con số lớn trong tổng thu ngân sách hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi cấp tần số mới, các nhà mạng sẽ phải bỏ tiền đầu tư. Điều này sẽ kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế phát triển. Các dịch vụ mới của nhà mạng ra đời cũng sẽ khiến sức mua tăng lên. Do đó, việc đấu thầu tần số sẽ là một cú hích lớn cho nền kinh tế.

Yêu cầu đấu thầu tần số trước tháng 6/2020

Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2,6 GHz cho các doanh nghiệp viễn thông trước ngày 20/6/2020. Cho dù Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông rất nỗ lực để triển khai đấu giá băng tần 5G, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng về vấn đề pháp lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương tắt sóng công nghệ 2G theo phương án Bộ đã trình để có thể thực hiện ngay các giải pháp cần thiết từ năm 2020, hướng tới mục tiêu tắt sóng vào năm 2022. Tần sóng 2G được giải phóng sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm dư địa để phát triển các công nghệ mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong quá trình triển khai đấu giá băng tần 2,6 GHz, phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản công, nên việc đấu giá quyền sử dụng tần số cần rà soát lại trình tự, thủ tục cho phù hợp với quy định mới.

Cùng với đó, vấn đề xác định giá khởi điểm với băng tần này cũng đang là vấn đề khó khăn, do đây là lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (một loại tài sản vô hình), trong khi Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg chỉ quy định về nguyên tắc xác định giá, chưa quy định phương pháp cụ thể xác định giá khởi điểm.

Để giải quyết khó khăn đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp, lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. 

Trên cơ sở ý kiến trả lời của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn để triển khai cấp băng tần 2,6 GHz.

Đối với việc xác định giá khởi điểm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thuê Tổ chức Thẩm định giá xác định giá trị băng tần 2,6 GHz theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của Tổ chức Thẩm định giá, Bộ Thông tin và Truyền sẽ báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.

“Cục Tần số vô tuyến điện đã tham mưu và Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Hội đồng Đấu giá. Hội đồng này xác định giá khởi điểm, xây dựng hồ sơ mời đấu giá quyền sử dụng tần số băng tần 2,6 GHz”, ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết.

Đối với băng tần 700 MHz, Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, đơn vụ này đã hoàn thành xây dựng, trình Bộ Thông tin và Truyền thông Dự thảo Thông tư quy hoạch băng tần 700 MHz. 

Đây sẽ là cơ sở pháp lý để triển khai đấu giá băng tần 700 MHz, thúc đẩy các mạng thông tin di động mở rộng vùng phủ sóng tới các khu vực nông thôn, miền núi, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho doanh nghiệp và người dân.

Hữu Tuấn