|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sợi Thế Kỷ làm gì khi không có TPP?

22:15 | 03/05/2017
Chia sẻ
Giá cổ phiếu Sợi Thế Kỷ cũng đi theo chiều hướng giảm kể từ khi đạt đỉnh 37.700 đồng vào tháng 10.2015.
soi the ky lam gi khi khong co tpp

Cuối năm 2014, giới đầu tư chứng khoán Việt Nam hồ hởi đón nhận một doanh nghiệp tư nhân trẻ với hoạt động kinh doanh trong ngành dệt may - Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ. Phiên đấu giá cổ phiếu STK đã diễn ra rất thành công với lượng cổ phiếu đặt mua cao gấp 3 lần lượng cổ phiếu chào bán, đẩy giá đấu trung bình của STK lên đến hơn 24.000 đồng/cổ phiếu so với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phiếu. Các nhà đầu tư tổ chức tại thời điểm đó là Vietnam Holding, SSIAM và Đầu tư Hướng Việt. Sau thời điểm niêm yết vài tháng, giá cổ phiếu STK chạm ngưỡng 38.000 đồng, hơn 2 lần định giá ban đầu.

Đến giữa tháng 4.2017, giá cổ phiếu STK dao động quanh mức 20.000 đồng, phục hồi nhẹ từ mức 16.000 đồng vào cuối năm 2016 sau khi báo cáo tài chính quý IV/2016 của Công ty cho thấy kết quả kinh doanh đáng thất vọng.

Kỳ vọng cao, thất vọng lớn

Một trong những nguyên nhân chính khiến cổ phiếu STK và cổ phiếu nhiều công ty dệt may khác tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2014-2016 chính là triển vọng mở rộng thị trường, tăng sản lượng nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cắt giảm hàng rào thuế quan vào các thị trường lớn của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Trong đó, động lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất chính là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

soi the ky lam gi khi khong co tpp

TPP được dự đoán sẽ làm thay đổi mạnh mẽ ngành dệt may Việt Nam với hàng loạt hàng rào thuế quan được dỡ bỏ và việc áp dụng nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi. STK, một doanh nghiệp sợi tương đối trẻ trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, ở vị trí tốt để có thể hưởng lợi hoàn toàn từ TPP với lợi thế là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sợi polyester (các doanh nghiệp còn lại bao gồm Formosa Hưng Nghiệp và PVTex của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), thỏa mãn nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi của TPP.

Tuy nhiên, ít ai có thể dự đoán được rằng TPP sẽ không được Mỹ ký kết và cũng ít người trong giới đầu tư chứng khoán để ý rằng có những nước khác như Bangladesh, Myanmar và Campuchia tham gia vào những hiệp định thương mại tự do với ưu đãi thuế hấp dẫn hơn và chi phí nhân công rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Chẳng hạn, theo một báo cáo phân tích của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC), Myanmar và Campuchia chịu mức thuế nhập khẩu vào các nước EU bằng 0% dưới chương trình GSP (Generalised System of Preferences).

Cho đến khi báo cáo tài chính của các công ty trong ngành dệt may được công bố với lý giải biến động kết quả kinh doanh lặp đi lặp lại các cụm từ như “giá bán trung bình giảm do cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc”, “thị trường xuất khẩu gặp khó khăn khi doanh nghiệp bị áp thuế chống bán phá giá”, “cạnh tranh gay gắt do cung vượt cầu”, viễn cảnh về màu xanh chứng khoán nhạt dần và nhà đầu tư phải đối mặt với thực tế phũ phàng rằng tăng trưởng nhờ nhân công giá rẻ và các hiệp định thương mại tự do không phải là tăng trưởng bền vững.

soi the ky lam gi khi khong co tpp

Trong trường hợp của Sợi Thế Kỷ, theo các báo cáo thường niên của Công ty, từ năm 2015 đến nay, Công ty liên tiếp không đạt được kế hoạch kinh doanh, về doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế. Vì vậy, giá cổ phiếu STK cũng đi theo chiều hướng giảm kể từ khi đạt đỉnh 37.700 đồng vào tháng 10.2015.

Sợi Thế kỷ đã trải qua một năm 2016 đáng thất vọng với lợi nhuận thuần cả năm chỉ đạt hơn 29 tỉ đồng, bằng 1/3 lợi nhuận thuần năm 2015. Riêng trong quý IV/2016, STK ghi nhận trong báo cáo tài chính sau soát xét lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 17,5 tỉ đồng so với lợi nhuận thuần 7,5 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2015. Hiện nay, giá cổ phiếu STK chỉ còn dao động quanh mức 17.000-21.000 đồng.

Mở lối thoát

Dù gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh năm 2016, theo biên bản họp Hội đồng Cổ đông, ban lãnh đạo và cổ đông của STK vẫn rất kỳ vọng vào năm 2017 khi đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế lên đến 87 tỉ đồng, cao gấp 3 lần lợi nhuận năm 2016.

Giám đốc Chiến lược và Phát triển của Sợi Thế Kỷ, bà Nguyễn Phương Chi cho biết: “Để đối phó với những khó khăn về thị trường, STK đã chuyển hướng thị trường mục tiêu, tập trung vào những thị trường đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao (như thị trường Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan) và không ngừng nghiên cứu phát triển các sản phẩm sợi mới với các tính năng đặc biệt (sợi recycle, sợi màu, sợi chập, sợi co giãn cao, sợi nhanh khô, sợi Dope Dyed Melange và sợi Dope Dyed Fancy...) để giảm bớt sự cạnh tranh, đáp ứng xu hướng mới của thị trường thế giới đồng thời mang đến lợi nhuận cao hơn”.

Minh chứng cho chiến lược này, gần đây, STK thành lập công ty liên doanh với vốn điều lệ 3,4 triệu USD cùng đối tác nước ngoài là Smartex để sản xuất các mặt hàng sợi màu và nhận quyền để sản xuất mặt hàng sợi tái chế mang thương hiệu REPREVE từ Unifi, một công ty sản xuất sợi polyester filament và sợi tái chế hàng đầu trên thế giới.

Bà Chi cũng cho biết, mặc dù trước đây STK luôn đẩy mạnh thị trường xuất khẩu do nhu cầu tiêu thụ sợi chất lượng cao ở thị trường nội địa không cao bằng thị trường xuất khẩu, những năm gần đây, nhờ nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, làn sóng các doanh nghiệp dệt may lớn trên toàn cầu đầu tư cơ sở sản xuất dệt nhuộm ở Việt Nam, từ đó thúc đẩy nhu cầu sợi nội địa tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm sợi chất lượng cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của các thương hiệu thời trang lớn. Nhận thấy được sức hấp dẫn của thị trường nội địa, STK đã chuyển hướng để tận dụng cơ hội tăng trưởng.

Vấp phải khó khăn trên thị trường chủ lực là Thổ Nhĩ Kỳ, STK và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng chuyển hướng sang các thị trường khác để khai thác tối đa ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do ngoài TPP với Hàn Quốc, Nhật và châu Âu. Cụ thể, doanh thu từ thị trường Hàn Quốc của STK trong năm 2016 đã tăng hơn 8 lần và STK đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng doanh thu từ Hàn Quốc và Nhật trong năm 2017.

Toàn cảnh ngành dệt may Việt Nam cũng cho thấy những thay đổi lớn trong thị trường xuất khẩu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 1.2017, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 2,15 tỉ USD, trong đó Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3, đạt 215 triệu USD và tăng trưởng vượt bậc ở mức 31,2% so với tháng 12.2016. Thị trường Mỹ tiếp tục dẫn đầu nhưng tăng trưởng tương đối chậm lại, giảm 4,7% so với tháng 12.2016 và tăng nhẹ 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, mặc dù TPP không được thông qua, ngành dệt may Việt Nam vẫn có được những ưu đãi thuế khác từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương với Hàn Quốc, Nhật và châu Âu. Đối với thị trường Mỹ, cánh cửa đang dần bị khép lại cho các sản phẩm dệt may phổ thông, giá rẻ, nhưng vẫn còn chỗ cho các sản phẩm cao cấp, mới hơn, bắt kịp xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường.

Ngoài ra, tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng đang tăng trưởng tốt, dần chuyển biến nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế tiêu dùng, nhờ đó thị trường may mặc nội địa cũng trở nên hấp dẫn hơn và sẽ trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho những doanh nghiệp nào đầu tư đúng mức để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là những người trẻ, sành điệu, mong muốn theo đuổi xu hướng thời trang của thế giới.

Nam Anh

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.