|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

‘Soi’ sức khỏe tài chính của Vietnam Airlines trước ngày lên HOSE: Thị phần tiếp tục giảm, cạnh tranh thêm gay gắt

18:15 | 26/03/2019
Chia sẻ
Thị phần của Vietnam Airlines giảm xuống còn 24% trong năm 2018, BVSC còn dự báo cạnh tranh trong thời gian tới sẽ còn thêm gay gắt với sự tham gia của Bamboo Airways và có khả năng là cả AirAsia. Tuy nhiên, chi phí quản lý và chi phí bán hàng trên doanh thu của hãng tiếp tục giảm cùng tỉ lệ nợ vay cải thiện là những yếu tố tích cực.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây đã công bố báo cáo phân tích Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - Mã: HVN). Trong đó, BVSC ghi nhận các biện pháp tích cực trong việc giảm chi phí và nợ vay của Vietnam Airlines thời gian qua. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam đang chậm lại và cạnh tranh gia tăng, với sự tham gia của Bamboo Airways và AirAsia cũng đã công bố về khả năng gia nhập thị trường hàng không nội địa. 

Việc lên HOSE niêm yết vào tháng 4 tới sẽ là yếu tố tâm lý tích cực trong ngắn hạn, tuy nhiên Vietnam Airlines sẽ chỉ đáp ứng được điều kiện để xét duyệt vào FTSE với thời điểm sớm nhất là tháng 9/2019.

Ngành hàng không giảm tốc, thị phần của Vietnam Airlines tiếp tục đi xuống

BVSC dẫn số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho biết năm 2018, tổng lượt khách của toàn thị trường Việt Nam chỉ tăng 12,6% so với năm 2017, thấp hơn nhiều so với mức tăng của các năm trước. Trong đó, mức tăng trưởng chủ yếu đến từ thị trường quốc tế, khi tăng trưởng lượt khách quốc tế năm 2018 vẫn đạt 20% trong khi nội địa chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 6%. Tuy nhiên, nếu so sánh với các năm trước thì tăng trưởng thị trường quốc tế cũng đang có xu hướng giảm.

Theo BVSC, điều này có thể được lý giải bằng 2 yếu tố là: (1) việc mở rộng của hàng không giá rẻ trong giai đoạn 2013-2016 và (2) giá dầu giảm khiến giá vé trở nên hấp dẫn hơn và thúc đẩy tăng trưởng lượt khách. Trong giai đoạn 2017-2018, giá dầu tăng lên, giá vé tăng và lượt khách của Vietjet Air tăng trưởng chậm lại sau một giai đoạn tăng nhanh khiến toàn ngành có mức tăng trưởng thấp hơn.

‘Soi’ sức khỏe tài chính của Vietnam Airlines trước ngày lên HOSE: Thị phần tiếp tục giảm, cạnh tranh thêm gay gắt - Ảnh 1.

Về phần Vietnam Airlines, tổng lượt khách của hãng trong năm 2018 đạt 21,9 triệu lượt, đi ngang so với 2017. Trong đó lượt khách nội địa giảm 4% so với 2017, đạt 13,1 triệu lượt. Lượt khách quốc tế tăng trưởng 8%, đạt 8,9 triệu lượt. Với việc lượt khách đi ngang trong khi toàn ngành vẫn có tăng trưởng, thị phần của Vietnam Airlines tiếp tục sụt giảm trong năm 2018.

BVSC ước tính năm 2018, Vietnam Airlines đang giữ 31% tổng thị phần. Thị phần của Jetstar không thay đổi nhiều trong năm 2018 với 9% toàn ngành. Theo đó, Vietnam Airlines đang giữ khoảng 40% tổng thị phần của hàng không Việt Nam. Về thị phần quốc tế, Vietnam Airlines đang chiếm khoảng 24%.

BVSC đánh giá cạnh tranh trong thời gian tới có thể còn gay gắt hơn với sự tham gia của Bamboo Airways và một đối thủ đáng ngại hơn là AirAsia cũng đã công bố về khả năng gia nhập thị trường hàng không nội địa Việt Nam.

‘Soi’ sức khỏe tài chính của Vietnam Airlines trước ngày lên HOSE: Thị phần tiếp tục giảm, cạnh tranh thêm gay gắt - Ảnh 2.

Chi phí quản lý và chi phí bán hàng trên doanh thu giảm, tỉ lệ nợ vay cải thiện

Theo BVSC, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu đang giảm dần trong ba năm trở lại đây, từ mức 9,56% năm 2016 xuống 7,61% năm 2018. Mặc dù tỉ lệ giảm 1,95% là khá khiêm tốn về mặt tương đối, tuy nhiên nếu xét theo con số tuyệt đối tổng doanh thu 96.821 tỉ đồng (năm 2018) thì Vietnam Airlines đã tiết kiệm được tới 1.892 tỉ đồng, tương đương 58% lợi nhuận trước thuế của cả năm. Kết quả này đạt được nhờ vào việc đẩy mảnh bán vé qua các kênh online, siết chặt chi phí trong các khâu quản trị, hạn chế trong việc tuyển mới lao động…

Mặt khác, tỉ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines năm 2018 ở mức 2,07 lần, giảm khá mạnh so với tỉ lệ 5,13 năm 2015. Tỉ lệ nợ vay giảm nhờ vào nguồn khấu hao lớn từ đội bay (4.000 – 5.000 tỉ đồng/năm), lợi nhuận để lại tốt và nguồn thu từ phát hành tăng vốn điều lệ.

‘Soi’ sức khỏe tài chính của Vietnam Airlines trước ngày lên HOSE: Thị phần tiếp tục giảm, cạnh tranh thêm gay gắt - Ảnh 3.

Ngoài ra, trong ba năm trở lại đây (2016-2018) Vietnam Airlines đã thay đổi hình thức từ mua sở hữu hoặc thuê tài chính (vẫn phải ghi nhận khấu hao và tăng nợ vay) sang hình thức bán và thuê lại (sale and leaseback - SLB) hoặc thuê vận hành khi muốn mở rộng đội bay. Do đó, tỉ lệ nợ vay không bị tăng và có thể ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động SLB.

Xét về hoạt động SLB, năm 2018, Vietnam Airlines thực hiện SLB hai máy bay A350 và hai động cơ máy bay thuộc Vietnam Airlines, một chiếc A320 thuộc Jetstar Pacific. Tổng lợi nhuận ghi nhận từ hoạt động SLB đạt 577 tỉ đồng, giảm 25% so với 2017 nhưng vẫn đóng góp tích cực (18%) vào lợi nhuận trước thuế năm 2018.  

Duy trì biên lợi nhuận ảnh hưởng tăng trưởng lượt khách

Giá dầu Jet A1 bình quân năm 2018 tăng mạnh so với 2017 tuy nhiên biên lợi nhuận của Vietnam Airlines vẫn không bị ảnh hưởng đáng kể, chỉ giảm nhẹ từ 12,77% xuống 12,61%. BVSC cho rằng nguyên nhân chính là do giá vé đã tăng lên đủ bù đắp cho mức chi phí tăng từ giá dầu. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng phần nào tới tăng trưởng lượt khách của hãng trong năm 2018, khi tổng lượt khách đi ngang.

Ngoài ra trong năm 2018, Vietnam Airlines cũng đón tín hiệu tích cực từ Jetstar Pacific. Với các biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật và cải cách trong các khâu vận hành, Jetstar đã đạt điểm hòa vốn. Tính đến cuối năm 2017, khoản lỗ lũy kế tại Jetstar lên đến 4.286 tỉ đồng. Năm 2019, Vietnam Airlines dự kiến Jetstar sẽ tiếp tục có lãi.

Mở rộng đội bay gây áp lực lên giá vé trong năm 2019

BVSC cho biết trong năm 2019, Vietnam Airlines dự kiến sẽ nhận mới 22 máy bay, bao gồm 17 chiếc A321Neo, 3 chiếc B787 -10, 2 chiếc A350; đồng thời trả 3 chiếc (2 chiếc A330 thuê vận hành, 1 chiếc A321 thuê), đưa tổng số máy bay của Vietnam Airlines lên 112 chiếc. Trong số 22 máy bay nhận mới thì chỉ có 2 chiếc A350 theo hình thức SLB và đóng góp lợi nhuận cho hãng trong năm 2019.

Tổng số 19 chiếc máy bay còn lại sẽ được thuê vận hành và không ảnh hưởng gì tới các chỉ tiêu nợ vay cũng như nguyên giá tài sản cố định của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, BVSC bày tỏ lo ngại về số lượng máy bay nhận mới khá lớn này. Nếu toàn bộ máy bay được nhận theo lịch trình thì 2019 sẽ là năm kỉ lục về số lượng máy bay nhận mới trong vòng 5 năm gần nhất. Nếu tính theo tổng số ghế của toàn bộ đội bay thì năm đến cuối năm 2019 tổng số ghế của Vietnam Airlines sẽ tăng 22% so với cuối 2018. Đây là mức tăng khá cao nếu so với tăng trưởng lượt khách trong vòng 3 năm gần nhất 2016-2018 chỉ đạt 2,8%/năm.

Cổ đông mong chờ HVN lên sàn HOSE, Nhà nước sắp thoái vốn

Dự kiến Vietnam Airlines sẽ hoàn tất thủ tục để dừng giao dịch cổ phiếu HVN tại UPCoM và chuyển lên niêm yết tại HOSE trong tháng 4 tới.

Về cơ cấu cổ đông, hiện tại Nhà nước đang giữ 86,19% vốn điều lệ tại Vietnam Airlines. Công ty dự kiến hoạt động thoái vốn Nhà nước sẽ bắt đầu từ năm 2020. Tuy nhiên hiện chưa có kế hoạch thoái vốn cụ thể.

‘Soi’ sức khỏe tài chính của Vietnam Airlines trước ngày lên HOSE: Thị phần tiếp tục giảm, cạnh tranh thêm gay gắt - Ảnh 4.

Cơ cấu cổ đông của Vietnam Airlines ngày 12/3/2019. Nguồn: Vietnam Airlines.

BVSC cho rằng với số lượng cổ phiếu và vốn hóa cao, HVN sẽ được sự quan tâm của khối ngoại và các quỹ chỉ số. Tuy nhiên, tỉ lệ free-float của HVN khá thấp và gặp nhiều trở ngại trong việc xét vào các bộ chỉ số này.

+ Đối với Market Vectors Vietnam ETF: BVSC cho biết tỉ lệ free float tối thiểu là 10% do đó HVN không đủ điều kiện. Chỉ khi tiến hành thoái vốn Nhà nước xuống dưới 82,4% thì HVN mới có khả năng được xét vào, tuy nhiên nếu trong trường hợp Nhà nước thoái vốn cho đối tác chiến lược tỉ lệ free-float của HVN cũng sẽ không được cải thiện.

+ Đối với các quỹ vận hành theo chỉ số VN30: HVN không đủ điều kiện free-float trên 10%. Mặc dù VN30 có điều kiện loại trừ: đối với các cổ phiếu có tỉ lệ free float dưới 10% nhưng đảm bảo điều kiện về giá trị vốn hóa nhân với tỉ lệ free–float (GTVH-f) lớn hơn trung vị của tập hợp 90% GTVH-f của rổ cổ phiếu vẫn được tham gia vào VN30. Tuy nhiên, nếu xét tham chiếu theo giá trị vốn hóa hiện tại, HVN cũng không đạt điều kiện này.

+ Đối với FTSE Vietnam Index ETF: BVSC cho biết Đây là chỉ số duy nhất HVN đủ điều kiện free float. Với quy định về thời gian niêm yết tối thiểu là 3 tháng, thời gian sớm nhất HVN được xét vào sẽ là kì tháng 9/2019.

Vietcombank đã bán 2,3 triệu cổ phiếu Vietnam AirlinesVietcombank đã bán 2,3 triệu cổ phiếu Vietnam Airlines Ông Dương Trí Thành: Vietnam Airlines đang xem xét mua 50 - 100 máy bay Boeing 737 MAXÔng Dương Trí Thành: Vietnam Airlines đang xem xét mua 50 - 100 máy bay Boeing 737 MAX Hãng bay nào chậm, hủy nhiều chuyến nhất tháng qua?Hãng bay nào chậm, hủy nhiều chuyến nhất tháng qua?

Y Vân