|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Số phận ‘bom nợ’ Evergrande ra sao khi chủ tịch bị quản thúc?

16:50 | 27/09/2023
Chia sẻ
Hôm 27/9, Bloomberg đưa tin Chủ tịch tập đoàn địa ốc Evergrande đang bị cảnh sát giám sát, làm dấy lên nhiều nghi ngại về tương lai của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc.

Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evegrande. (Ảnh: Reuters).

Hôm 27/9, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Chủ tịch Hứa Gia Ấn của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đang bị cảnh sát giám sát.

Sự việc làm dấy lên nhiều nghi ngại về tương lai của Evergrande, trong bối cảnh tập đoàn đang đứng trước nguy cơ bị thanh lý tài sản.

Evergrande đang là nhà phát triển nặng nợ nhất thế giới, đồng thời là trung tâm của cuộc khủng hoảng thanh khoản chưa từng có trong lĩnh vực địa ốc Trung Quốc.

Công chúng biết đến rắc rối của Evergrande vào năm 2021. Kể từ khi đó, “bom nợ” này cùng một loạt công ty trong ngành đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế do doanh số bán nhà chững lại và khả năng huy động vốn bị hạn chế hơn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu kế hoạch tái cơ cấu nợ của Evergrande thất bại?

Trong bối cảnh dòng tiền suy yếu, Evergrande đang đàm phán với các trái chủ nước ngoài để tái cơ cấu khoản nợ trị giá 31,7 tỷ USD. Khoản nợ này bao gồm trái phiếu, tài sản thế chấp và nghĩa vụ mua lại.

Theo kế hoạch, Evergrande đã đề xuất nhiều phương án khác nhau cho các trái chủ nước ngoài vào tháng 3 năm nay, bao gồm việc hoán đổi một số khoản nợ thành trái phiếu có kỳ hạn từ 10 đến 12 năm.

Song, thông báo vào cuối tuần trước cho thấy Evergrande không thể phát hành nợ mới do chính phủ Trung Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra pháp lý tại một trong những công ty con quan trọng của tập đoàn.

Một nhóm đông đảo trái chủ nước ngoài của Evergrande có kế hoạch đệ đơn yêu cầu thanh lý tài sản của gã khổng lồ này.

Phiên toà dự kiến sẽ diễn ra tại Hong Kong vào ngày 30/10, trừ khi Evergrande có thể đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu nợ khác trước thời hạn đó.

 

Theo nhận định của Reuters, trong tương lai gần, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không can thiệp để hỗ trợ Evergrande hay bơm thêm thanh khoản cho thị trường.

Evergrande có thể sẽ bị thanh lý tài sản, nhưng đây sẽ là kịch bản xấu nhất bởi tập đoàn sẽ không còn tồn tại và các khoản nợ sẽ bị xoá sổ, gây thiệt hại cho những tổ chức tài chính đã cho “bom nợ” này vay tiền.

Trong trường hợp trên, các trái chủ nước ngoài có thể tiếp tục đệ đơn khiếu nại, yêu cầu các giám đốc cấp cao và nhân viên của Evergrande bồi thường, qua đó thu hồi một phần nhỏ khoản đầu tư đã mất của mình.

Chủ tịch Hứa Gia Ấn đóng vai trò gì và tình hình hiện tại ra sao?

Ông Hứa thành lập Evergrande tại Quảng Châu vào năm 1996 và niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong vào năm 2009. Tập đoàn phát triển nhanh chóng nhờ hoạt động thu mua đất được tài trợ bằng nợ vay và bán căn hộ với biên lợi nhuận thấp.

Tuy nhiên, khối nợ của Evergrande đã tăng vọt lên hơn 300 tỷ USD. Tập đoàn phải chịu áp lực lớn khi Bắc Kinh nỗ lực giảm đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản, khiến toàn thị trường suy yếu.

Cơ cấu của Evergrande và cách thức kinh doanh của tập đoàn dưới thời Chủ tịch Hứa Gia Ấn bị giám sát chặt chẽ khi đế chế này bắt đầu suy sụp vì không thể đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán nợ cũng như không thể bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Bloomberg cho biết ông Hứa đã bị cảnh sát bắt hồi đầu tháng 9 và đang bị giám sát tại một địa điểm được chỉ định.

Hồi đầu tháng này, cảnh sát ở khu vực phía nam Trung Quốc thông báo rằng họ đã bắt giữ một số nhân viên tại bộ phận quản lý tài sản của Evergrande. Đây là công ty giúp Evergrande huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân bằng cách bán các sản phẩm đầu tư.

Động thái của cảnh sát Trung Quốc cho thấy ông Hứa Gia Ấn sẽ không thể điều hành tập đoàn Evergrande trong thời gian dài, nhưng không rõ ai sẽ thay thế ông hoặc liệu chính phủ có đứng ra quản lý hay không.

 

Cuộc khủng hoảng của Evergrande diễn ra như thế nào?

Đà tăng trưởng vượt bậc đã giúp Evergrande trở thành một trong những nhà phát triển lớn và sinh lời nhất Trung Quốc. Doanh thu năm 2020 của tập đoàn đạt 110 tỷ USD.

Song, sự sụp đổ của ông lớn bất động sản này cũng đáng chú ý không kém. Việc vay mượn mạnh tay trong thời kỳ hoàng kim đã khiến Evergrande trở thành đơn vị phát hành trái phiếu đồng USD lớn nhất trên thị trường bất động sản.

Tập đoàn được coi là đã vỡ nợ toàn bộ trái phiếu đồng USD sau khi trễ hạn thanh toán nhiều lô trái phiếu vào cuối năm 2021. Kể từ đó, các trái chủ đã phải chật vật để tìm ra một giải pháp cho mình.

Cú rơi của Evergrande dần bắt đầu ảnh hưởng đến phần còn lại của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, trong bối cảnh các điều kiện tín dụng xấu đi và những nhà phát triển đối thủ cũng gặp rắc rối, đẩy một số đến cảnh vỡ nợ.

Sau khi giữ im lặng về cuộc khủng hoảng của Evergrande trong một thời gian, vào tháng 10/2021, một quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chỉ trích tập đoàn này không vận hành và quản lý bản thân tốt.

Theo Reuters, vị quan chức cho rằng Evergrande đã “đa dạng hoá và mở rộng hoạt động kinh doanh một cách mù quáng”.

Khi cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng, Bắc Kinh đã thành lập một ủy ban quản lý rủi ro vào tháng 12/2021 để hỗ trợ Evergrande tái cấu trúc nợ và tài sản.

Sau đó không lâu, các cơ quan chức năng đã nỗ lực nhằm đảm bảo với thị trường rằng rủi ro trong lĩnh vực địa ốc và nền kinh tế có thể kiểm soát được.

Cho đến nay, chưa rõ chính phủ sẽ can thiệp hỗ trợ Evergrande như thế nào. Song, trong năm qua, Bắc Kinh đã triển khai một loạt biện pháp nhằm củng cố thị trường bất động sản, đồng thời ưu tiên hoàn thiện nhà ở đang dang dở.

Yên Khê

TS. Cấn Văn Lực: Để ngân hàng bán vàng trực tiếp, giá sẽ lập tức giảm nhưng chỉ là biện pháp trước mắt
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc bán vàng qua nhóm ngân hàng Big 4 chỉ là biện pháp trước mắt nhằm tăng nguồn cung trên thị trường khiến giá giảm ngay. Nhưng về lâu dài cần đảm bảo thị trường vàng minh bạch và ngăn chặn thao túng giá, xoá bỏ độc quyền có thể xử lý dứt điểm được câu chuyện chênh lệch giá.