Số người cách li xét nghiệm virus corona giảm
Bộ Y tế định nghĩa "nghi nhiễm" là các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, đến từ vùng dịch. Còn "cách ly" là một trong các biện pháp thực hiện để kiểm soát nhiễm trùng, ngăn ngừa bệnh lây truyền đến người khác.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: "Đây không phải là những người mắc bệnh, nhưng là người cần giám sát theo dõi để phòng nguy cơ lây lan".
Ngoài ra, 270 trường hợp khác sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm nCoV.
Ngày 4/2, Bộ Y tế xác nhận thêm 2 ca dương tính, nâng số bệnh nhân lên 10.
Trong đó, một bệnh nhân nam 30 tuổi, là thành viên đoàn 8 người được công ty cử sang Trung Quốc tập huấn tại Vũ Hán, trước đó có 4 người đã xác định dương tính. Bệnh nhân đang được cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Nhiệt đới cơ sở Đông Anh trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Bệnh nhân tiếp theo là nữ công nhân 42 tuổi, ở tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Chị là người nhà của một trong số các công nhân đã đi tập huấn ở Vũ Hán, đang cách ly tại khu cách ly Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên.
Vĩnh Phúc đang là tỉnh có số người Việt viêm hô hấp do virus corona nhiều nhất, với 5 người.
Trong khi đó hai bệnh nhân viêm phổi đã xuất viện, gồm nữ bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa và bệnh nhân Trung Quốc điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện 3 bệnh nhân viêm phổi tại Việt Nam đã khỏi bệnh.
Trong cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 4/2, thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch viêm phổi do nCoV "có thể đạt đỉnh trong 7 đến 10 ngày tới". Việt Nam chấp nhận thiệt hại một số lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng người dân, "nhưng phải chủ động giữ ổn định một số ngành".
Bộ Y tế đề xuất thêm kịch bản số 4 chống dịch, xây bệnh viện dã chiến để cách ly điều trị bệnh nhân trong trường hợp dịch bùng phát tới hàng nghìn ca.
"Nhiệm vụ số một là phát hiện và cách ly, giám sát người nhiễm để bệnh không lây lan ra cộng đồng. Tiếp đó là lên kế hoạch đáp ứng phù hợp trong mỗi giai đoạn của dịch", Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tổng cục Quản lý thị trường cung cấp đường dây nóng xử lý vi phạm 1900.888.655 nhằm kiểm soát các hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý vật tư y tế phòng chống dịch. Ba ngày qua có 1.221 vụ vi phạm về giá bán khẩu trang, tạm giữ 318.620 chiếc khẩu trang.
53 tỉnh/thành phố cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Bộ Giáo dục Đào tạo thiết lập đường dây nóng thông tin 078.678.3535.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán cuối năm ngoái. Tính đến ngày 4/2, số người chết tăng lên 492, trong đó có 490 người ở Trung Quốc đại lục, một ở Philippines, một ở Hong Kong; số ca nhiễm bệnh cũng tăng lên 23.874, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi do nCoV đã lan đến hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan ghi nhận trường hợp nCoV truyền từ người sang người.