Số liệu thương mại tháng 9 gây lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế Trung Quốc
Triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc vẫn rất bấp bênh. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/BNEWS |
Theo các số liệu mới công bố, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự kiến trong khi nhập khẩu yếu, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đang trở nên bấp bênh hơn.
Giới chức Trung Quốc cho biết kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 9 giảm 10% so với cùng kỳ năm 2015, xuống còn 184,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 1,9%, xuống còn 142,5 tỷ USD. Cả hai số liệu trên đều xấu hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia kinh tế nhận định xuất khẩu có thể giảm 3,3% và nhập khẩu giảm 0,6%.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 9 chỉ đạt 41,99 tỷ USD - mức thấp nhất trong 6 tháng qua, trong khi mức dự báo của các chuyên gia trước đó là 53 tỷ USD.
Các số liệu đáng thất vọng trên là do nhu cầu giảm mạnh cả trong nước và gần như ở tất cả các thị trường lớn Mỹ, châu Âu và nhiều nước châu Á. Thặng dư thương mại giảm sẽ gây sức ép đối với tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT).
Theo Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc (CFETS), tỷ giá tham chiếu của NDT đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong 6 năm trở lại đây. Những số liệu về xuất khẩu càng củng cố nhận định ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ duy trì chính sách hiện nay từng bước điều chỉnh hạ giá đồng NDT trong các quý tiếp theo.
Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GAC) cùng ngày cũng công bố các số liệu kim ngạch tính bằng đồng NDT, theo đó xuất khẩu giảm 5,6%, trong khi nhập khẩu tăng 2,2% và thặng dư thương mại giảm 25%.
Phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, người phát ngôn GAC Huang Songping cho biết còn nhiều trở ngại đối với sự phát triển ngoại thương của Trung Quốc, đồng thời cho rằng các thách thức đối với Trung Quốc "sẽ không phải là trong ngắn hạn" và khả năng cạnh tranh thương mại truyền thống "đang giảm dần".
Theo ông Huang, quá trình cải cách cấu trúc kinh tế hướng vào tiêu dùng nội địa gần đây gặp khó khăn, trong khi Trung Quốc còn phải đối mặt với tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài về nước để thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước họ tạo công ăn việc làm mới.
Tháng trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giảm hơn 1/3 mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2016 xuống còn 1,7%, phản ánh đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và mức giảm nhập khẩu của Mỹ./.