|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sợ con mất động lực phấn đấu, ngày càng nhiều tỉ phú không muốn để lại toàn bộ tài sản cho con

14:02 | 26/04/2019
Chia sẻ
Khoảng 1/5 số tỉ phú trên 45 tuổi ở Anh không có kế hoạch dành phần lớn tài sản cho hoạt động từ thiện và chỉ để lại cho con một phần nhỏ.

Coi thường tiếp thị qua email: Sai lầm phổ biến của nhiều doanh nhân mới

Wing-Ching Shih, một ông trùm bất động sản Hong Kong, không để lại tài sản cho con, bởi ông dành toàn bộ cổ phiếu trong tập đoàn cho hoạt động từ thiện. Alex Shih, con trai của ông, chấp nhận việc đó.

"Cha đã nói với chúng tôi từ khi còn nhỏ rằng ông sẽ không để lại gia sản. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Theo cha, một cuộc sống thoải mái là thứ mà chúng tôi không nên có một cách quá dễ dàng. Ông nghĩ rằng nếu tự thân đạt từng thành tựu, chúng tôi sẽ biết trân trọng mọi thứ hơn", Alex kể.

Mặt trái của sự giàu sang

Alex chỉ là một trong hàng triệu người trên thế giới sống trong các gia đình doanh nhân giàu. Khi lớn lên trong gia đình giàu, họ không chỉ có ngôi nhà lộng lẫy, những chuyến du lịch sang trọng hay chương trình giáo dục đỉnh cao, mà còn có thể gây nên nhiều tác dụng không mong muốn. Thực tế ấy đang khiến nhiều doanh nhân tỷ phú thay đổi tư duy về việc để tài sản cho con cái, Forbes đưa tin.

Giả sử một chàng trai có mọi thứ anh muốn từ khi còn trẻ. Anh học những trường tốt nhất, tham gia những chuyến du lịch xa hoa nhất vàtrú ngụ trong dinh thự hoành tráng. Khi đó, anh không nhất thiết phải phấn đấu cho một tương lai tốt, vì gia đình anh đã có quá đủ tiền.

Sợ con mất động lực phấn đấu, ngày càng nhiều tỉ phú không muốn để lại toàn bộ tài sản cho con - Ảnh 1.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và tỉ phú Bill Gates là những người chỉ để lại cho con một phần nhỏ tài sản. Ảnh: CNBC

Sự dư thừa vật chất sẽ tước đoạt động lực phấn đấu của con người. Các chuyên gia tư vấn tài chính khẳng định, gia đình càng chu cấp cho thế hệ sau nhiều tiền khi họ còn trẻ, động lực và đam mê của thế hệ sau sẽ càng giảm.

"Nhiều thiếu gia, tiểu thư của các nhà giàu hỏi tôi: Vì sao tôi phải đến trường đai học? Tôi phấn đấu để làm gì? Liệu mọi người sẽ cảm thấy khâm phục những thành tựu mà tôi đạt được không, khi mà cha, mẹ tôi đã quá thành công?", bà Lucy Birtwistle, giám đốc phụ trách quan hệ của công ty Stonehage Fleming tại London, kể. Stonehage Fleming là doanh nghiệp giúp các gia đình giàu quản lý tài chính.

Công việc của Lucy là gặp thế hệ kế cận của những gia đình giàu và cố gắng xác định mục đích, tầm nhìn của họ. "Mọi người đều cần một mục đích, một lý do để họ thức dậy vào sáng sớm", bà phát biểu.

Sandy Loder, giám đốc AH Loder Advisors, nhất trí với quan điểm của Lucy. Công ty của ông giúp các công ty gia đình xử lý những vấn đề liên quan đến thế hệ sau. 

"Phần lớn hiểm họa xuất phát từ phụ huynh. Tình thương yêu con quá lớn khiến họ cố gắng chiều chuộng, bao bọc con, khiến chúng chỉ biết tiêu tiền, dùng chất kích thích và không phải chịu áp lực kiếm sống", ông bình luận.

Sự trăn trở của các doanh nhân

Trong kỷ nguyên mạng xã hội, những vấn đề tiêu cực thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Mạng xã hội trở thành nơi tiểu thư, thiếu gia đăng ảnh về cuộc sống xa hoa để chứng tỏ đẳng cấp với nhau. "Một khách hàng của tôi kiểm tra điện thoại mỗi phút một lần. Tôi phải bảo cô ngừng sử dụng mạng xã hội", Loder kể.

Sợ con mất động lực phấn đấu, ngày càng nhiều tỉ phú không muốn để lại toàn bộ tài sản cho con - Ảnh 2.

Mark Zuckerberg, ông chủ mạng xã hội Facebook, chỉ để lại 1% cổ phần của tập đoàn cho con. Ảnh: CNBC

Thực trạng ấy khiến nhiều người thay đổi quan điểm về kế hoạch trao lại tài sản cho con. Hồi tháng 3, John Caudwell, một tỉ phú ở Anh, tuyên bố ông sẽ dành 70% tài sản để làm từ thiện. "Nếu số tài sản đó đáng giá hàng tỷ USD, chúng ta nên cho phần lớn và để lại vài trăm triệu USD cho con", Daily Mirror dẫn lời ông.

Mark Zuckerberg, , ông chủ mạng xã hội Facebook, cũng có kế hoạch cho 99% cổ phần Facebook họ nắm để "nâng cao tiềm năng con người và đem đến sự bình đẳng cho mọi đứa trẻ mai sau". Zuckerberg và Chan đều tham gia câu lạc bộ Cam kết trao tài sản do Warren Buffett và Bill Gates thành lập. Người tham gia câu lạc bộ sẽ cho hơn nửa tài sản trong suốt cuộc đời.

James Fleming, người sáng lập công ty tư vấn đầu tư cho gia đình Sandaire, nói rằng nhiều người chưa giàu như triệu phú hay tỉ phú nhưng cũng dành phần lớn tài sản cho hoạt động từ thiện. 

"Họ chỉ để lại cho con một khoản tiền nhỏ, đủ để chúng sinh tồn", ông nói.

Công ty quản lý tài sản Canada Life (Anh) dã khảo sát các triệu phú tại Anh hồi đầu năm nay về xu hướng để lại tài sản. Kết quả cho thấy cứ năm triệu phú Anh trong tuổi trên 45 thì một người không có kế hoạch để lại tài sản cho thế hệ sau. Gần nửa trong 1.000 người tham gia cuộc khảo sát tuyên bố họ sẽ tiêu hết tài sản trước khi qua đời, còn 9% số họ muốn làm từ thiện.

Nhạc Dương