Singapore vươn lên trong ngành AI giữa lúc Mỹ - Trung thương chiến
Ảnh: Reuters
Theo Bloomberg, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang nguội lạnh hóa mối quan hệ hợp tác toàn cầu, yếu tố từ lâu thúc đẩy công nghệ và khoa học.
Giữa lúc này, Singapore nỗ lực thể hiện vai trò độc lập giữa căng thẳng của hai cường quốc, chứng minh lợi thế quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI).
Đây là bài toán cân bằng khó nhằn. Đảo quốc sư tử vốn có quan hệ mật thiết với cả hai siêu cường.
Trong khi đó, AI hiện là bài thử nghiệm về cách các quốc gia độc lập tham gia vào công nghệ mới nổi. Mỹ và Trung Quốc đã và đang thống trị sự phát triển AI và điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng các nước khác sẽ mất đi lợi ích riêng hoặc không có tiếng nói trong việc đưa ra quy định chung cho ngành.
Dù vậy, chính phủ Singapore vẫn đầu tư 500 triệu đô la Singapore, tương đương 360 triệu USD, vào AI và nhiều công nghệ khác đến năm 2020, thu hút nhiều hãng Mỹ lẫn Trung Quốc đến nước này bằng chính sách hỗ trợ nghiên cứu AI.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore S. Iswaran đầu năm nay lên tiếng đề xuất khuôn khổ cho việc sử dụng AI một cách có đạo đức tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ).
Lawrence Loh, chuyên gia tại NUS Business School ở Singapore, nhận định: "Singapore có vai trò quan trọng.
Chúng tôi không bao giờ có thể sánh được với năng lực công nghệ của Mỹ và Trung Quốc, song có một số lĩnh vực nhất định mà Singapore có thể lãnh đạo, sử dụng vị thế của mình để giúp các bên hợp tác làm việc với nhau".
Singapore từ lâu định vị mình là đất nước trung lập. Đây là nơi đặt Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore và Tòa án Thương mại Quốc tế Singapore, diễn đàn giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi tháng trước tuyên bố quốc gia vẫn giữ thế trung lập, không chọn phe Mỹ hay Trung Quốc. Đất nước 5,6 triệu dân không từ bỏ cơ hội nào để xây dựng tương lai nền kinh tế quốc nội.
Singapore đã có đội ngũ chuyên biệt, liên cơ quan để nghiên cứu tất cả các khía cạnh của AI.
Những tuần gần đây, nước này còn cấp bằng sáng chế cho Alibaba Group chỉ trong ba tháng. Đây là tốc độ phê duyệt và cấp bằng sáng chế kỷ lục, cho thấy quyết tâm của đảo quốc trong việc phát triển với tốc độ tối đa.
Một số chuyên gia vẫn hoài nghi về triển vọng của Singapore. Kai-Fu Lee, nhà sáng lập hãng Sinovation Ventures, cho rằng như một số nước khác, Singapore đang nỗ lực phát triển hệ sinh thái AI riêng nhưng nỗ lực này vẫn rất nhỏ so với các nước lớn.
"Trừ phi Singapore có thể hợp nhất cả Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trở thành nước lãnh đạo, cung ứng không bàn cãi cho các nước ASEAN, nỗ lực của Singapore sẽ không dẫn đến nổi dù chỉ một phần nhỏ của Mỹ và Trung Quốc", ông Lee nhận định.
Chính phủ Singapore trong lúc này vẫn cố tăng cường thu hút các doanh nghiệp làm việc trong mảng AI.
Alibaba mở viện nghiên cứu chung đầu tiên bên ngoài Trung Quốc ở Singapore nhờ hợp tác cùng Đại học Công nghệ Nanyang, trong khi Saleforce thì mở trung tâm nghiên cứu AI đầu tiên bên ngoài Palo Alto, bang California cũng ở Singapore.
GIC, quỹ đầu tư quốc gia Singapore, rót vốn cho nhiều hãng AI của Canada, trong đó có Element AI ở Montreal.
Công ty này thành lập văn phòng tại Singapore sau khi huy động 102 triệu USD tài trợ mới vào năm 2017.
"Thật khó để dự báo mọi thứ sẽ ra sao với cuộc chiến thương mại hiện tại. Mối quan tâm của Singapore nên tập trung vào công nghệ, không phải địa chính trị", chuyên gia Loh cho biết.