|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shopee: Sự chậm trễ trở thành lợi thế để dẫn đầu cuộc đua thương mại điện tử ở Đông Nam Á

19:42 | 27/12/2019
Chia sẻ
Gia nhập muộn, thực tế lại giúp Shopee quan sát được cục diện thị trường và thay đổi để thích ứng tốt hơn.

Là một nền tảng thương mại mới chỉ hoạt động chưa đến 4 năm, Shopee đã có một hành trình không tệ.

Kể từ khi thành lập vào năm 2015, Shopee nhanh chóng vươn lên thành trang thương mại điện tử (TMĐT) được truy cập nhiều nhất Đông Nam Á, theo một báo cáo gần đây của iPrice. 

Bí quyết thành công của Shopee là gì?

Cùng thời điểm, ứng dụng Shopee trên di động cũng xếp đầu về số lượt tải về và lượng người dùng hoạt động trung bình mỗi tháng.

Bí quyết thành công của Shopee là gì? "Là kẻ đi sau đến muộn", theo chia sẻ của giám đốc thương mại Shopee Zhou Junjie.

Shopee: ‘Chậm trễ’ trở thành lợi thế để dẫn đầu cuộc đua TMĐT của Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ông Zhou Junjie, Giám đốc Thương mại Shopee. (Ảnh: HRM Asia)

"Trở lại thời điểm năm 2015, chúng tôi nhìn nhận TMĐT như một ngành công nghiệp và trong khi đã có những người đi trước, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều cơ hội phát triển tiềm năng và nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để", Zhou Junjie nói trong một bài phỏng vấn với SCMP.

Thời điểm đó, hầu hết công ty TMĐT đều tập trung vào phát triển website như kênh bán àng chính. Shopee chọn chiến lược khác bằng đầu tư vào ứng dụng để phục vụ thị trường Đông Nam Á với tỉ lệ người dùng di động cao.

"Đó là một lợi thế khi bạn là người đi sau bởi bạn có thể thấy thị trường đã có gì, xu hướng là gì và điều gì bạn có thể làm khác đi hoặc tốt hơn", ông Zhou Junjie nói thêm.

Shopee được vận hành bởi công ty công nghệ Singapore SEA Ltd. Trước khi dấn thân vào lĩnh vực TMĐT, SEA được biết đến trong vai trò một công ty chuyên xuất bản, vận hành và phát triển các trò chơi trên nền tảng PC và di động dưới thương hiệu Garena.

Chiến lược lấy di động làm ưu tiên đã mang về những trái ngọt: hơn 90% số lượng giao dịch của Shopee được thực hiện qua ứng dụng, theo Zhou.

Một "bí kíp" thành công khác của Shopee khi chinh phục các thị trường quốc tế là tích cực địa phương hoá và tuỳ chỉnh ứng dụng để đáp ứng nhu cầu mỗi thị trường.

Thay vì một ứng dụng chung cho tất cả người dùng, Shopee có một ứng dụng TMĐT độc lập cho mỗi thị trường mà nó tham dự. 

Theo Zhou, chiến lược này cho phép Shopee cho ra được những ứng dụng hấp dẫn nhất với đặc thù của từng người dùng tại 7 thị trường, bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam và Philippines.

Ví dụ, ở Indonesia, Shopee ra mắt một danh mục các sản phẩm dành riêng cho người dùng theo Đạo hồi. Trong khi đó, ở Thái Lan và Việt Nam, nơi xu hướng tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng bởi những người nổi tiếng, Shopee ra mắt cửa hàng trực tuyến bán sản phẩm được lựa chọn bởi những nhân vật được mến mộ.

(Nguồn: iPrice, Đồ hoạ: Thái Sơn)

(Nguồn: iPrice, Đồ hoạ: Thái Sơn)

"Chúng ta nói về Đông Nam Á như một khu vực song mỗi quốc gia lại có nhiều sự khác biệt – từ ngôn ngữ họ nói đến đồng tiền họ dùng, và thậm chí là nhu cầu mua sắm", Zhou nhận định. 

Dù vậy, ông thừa nhận chiến lược riêng cho từng thị trường lại đòi hỏi "khối lượng công việc khổng lồ" và Shopee phải xây dựng được đội ngũ địa phương cho từng nơi.

Xu hướng shoppertainment

Tương tự các đối thủ, Shopee dành nhiều sự quan tâm cho xu hướng "shoppertainment" (tạm dịch: giải trí mua sắm) bắt nguồn từ Trung Quốc.

Tận dụng kinh nghiệm ở mảng game, Shopee giới thiệu các trò chơi, tính năng livestream và trò chuyện trong ứng dụng để tương tác với người dùng nhiều hơn, từ đó thúc đẩy mua sắm.

Shopee hoạt động dưới hình thức C2C và hình thức "siêu thị" cho các thương hiệu bán sản phẩm trực tiếp đến người dùng mang tên gọi Shopee Mall. 

Mô hình C2C nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ những thương nhân nhỏ vốn trước đây vẫn bán hàng trên các mạng xã hội như Facebook và Instagram.

Tham gia các nền tảng như Shopee hay Lazada, các thương gia nhận được hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động như logistics hay thanh toán cùng với đó là một tệp người dùng có sẵn. Ngược lại, Shopee có doanh thu từ quảng cáo và thu phí dịch vụ từ các thương gia. Ở một số thị trường, Shopee cũng thu một khoản phí giao dịch.

Mặc dù kết quả hoạt động trong 4 năm qua khá ấn tượng, Shopee đang nhận cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Lazada. Năm ngoái, nền tảng này nhận 4 tỉ USD đầu tư từ Alibaba.

Mặc dù Shopee dẫn đầu về số lượng người theo dõi và tải về ở Đông Nam Á, Lazada có lượng người dùng hàng tháng dẫn đầu tại Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines.

"Cạnh tranh không phải điều tệ, vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng và quan tâm cho thị trường", Zhou nói thêm. Người đứng đầu mảng thương mại của Shopee cũng đầy lạc quan cho rằng khi có càng nhiều đối thủ, sẽ có càng nhiều người mua và người bán và thúc đẩy mảng TMĐT nói chung.

Ông Zhou Junjie bày tỏ sự tự tin vào khả năng tăng quy mô của Shopee. "Khi thị trường tăng trưởng, chúng tôi sẽ có chỗ đứng tốt hơn để nắm lấy thị phần tăng trưởng lớn hơn".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thái Sơn