|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shopee là ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam

12:00 | 09/05/2019
Chia sẻ
Ứng dụng di động của Shopee đạt lượng khách hàng tương tác hàng tháng (Monthly Active Users) cao nhất cả nước, theo xếp hạng mà iPrice Group và App Annie Intelligence công bố lần đầu tiên.

Mua sắm trên thiết bị di động ngày càng phổ biến

Một nghiên cứu năm 2018 do Google và Temasek thực hiện cho thấy, hiện nay đến 90% dân số toàn Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, truy cập internet chủ yếu thông qua các thiết bị điện thoại di động thông minh.

Kèm theo đó, thói quen sử dụng smartphone để mua sắm trực tuyến cũng lan rộng với tốc độ chóng mặt. Theo số liệu thống kê của iPrice, nếu như trong năm 2017, chỉ 62,5% số khách hàng Việt Nam mua sắm online trong Ngày Độc Thân bằng thiết bị di động thì đến năm 2018, con số đã lên đến hơn 80%.

Shopee là ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đồ họa: Iprice

Đứng trước xu thế quan trọng này, các công ty TMĐT tại Việt Nam cũng dần thay đổi cách tiếp cận người tiêu dùng, thông qua việc ngày càng đề cao hơn các ứng dụng di động. Cụ thể, từ hai năm gần đây, các doanh nghiệp như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo đều tập trung cải tiến các ứng dụng di động của mình để tăng khả năng thu hút khách hàng.

Mới đây, cổng thương mại điện tử iPrice cùng App Annie Intelligence công bố báo cáo xếp hạng lượng người dùng tương tác hàng tháng (MAU) của các ứng dụng TMĐT tại Việt Nam, cho biết cụ thể ứng dụng nào đang thực sự được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nhiều nhất.

Shopee dẫn đầu, Lazada bám sát

Dẫn đầu bảng xếp hạng này trong quí I/2019 là Shopee, đồng nghĩa là Shopee hiện là ứng dụng mua sắm trực tuyến có đông khách hàng tương tác nhất tại Việt Nam.

Shopee là ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam - Ảnh 2.

Đồ họa: iPrice

Shopee từ lâu đã theo đuổi chiến lược mobile-first, đặt nền tảng di động là ưu tiên. Một bài viết trên website của công ty này cho biết: "Nhằm tận dụng sự phổ biến ngày càng tăng của thiết bị di động ở Đông Nam Á và Đài Loan, Shopee tập trung phát triển ứng dụng Shopee làm điểm chạm đầu tiên trên hành trình mua sắm của khách hàng".

Nhằm cụ thể hóa tuyên bố này, trong năm 2018, họ đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều hoạt động nhằm thu hút khách hàng đến với ứng dụng di động của mình, có thể kể đến như chiến dịch quảng cáo Baby Shark gây bão trên Youtube hay chương trình "Ngày hội mua sắm 4.0" phát sóng trực tiếp trên HTV2 trong ngày 11/11.

Shopee cũng chăm chút kỹ ứng dụng mua sắm của họ. Trong bài báo cáo về Shopee hồi tháng 3/2018, công ty nghiên cứu thị trường Econsultancy nhận định: "Shopee tập trung vào ứng dụng di động ngay từ đầu và xây dựng giao diện người dùng xung quanh mục tiêu ấy. Định hướng của họ khiến cho trải nghiệm mua sắm trên di động với Shopee trở nên rất nhanh và trực quan".

Nếu nhìn vào kết quả, kết hợp với số liệu lượng truy cập website trung bình từ Bản đồ Thương mại Điện tử quí I/2019 – bảng xếp hạng mà họ đã dẫn đầu trong ba quí gần nhất, Shopee đang tạm thời dẫn đầu các sàn thương mại điện tử Việt Nam về mặt thu hút khách hàng.

Ứng dụng xếp thứ hai trên bảng xếp hạng và bám sát Shopee là Lazada. Theo Bản đồ Thương mại Điện tử Việt Nam, số lượt truy cập vào website của Lazada tại Việt Nam đã giảm liên tục suốt nhiều quí và tụt xuống vị trí thứ ba toàn quốc. Tuy nhiên, đối với ứng dụng di động, Lazada vẫn xếp trên Tiki và các đối thủ khác.

Trong một bài phỏng vấn với báo giới nước ngoài hồi năm 2018, ông Jing Yin, đồng chủ tịch Lazada Group, phát biểu: "Người mua hàng thường sẽ nhanh cảm thấy chán khi dùng ứng dụng di động hơn so với khi dùng máy vi tính. 

Vì vậy, với những công nghệ mà chúng tôi đang sử dụng, chúng tôi cần làm cho chúng trở nên thật hấp dẫn và cung cấp nội dung đúng nhu cầu của khách hàng". Đó là tiền đề khiến Lazada giới thiệu nhiều hình thức khuyến mãi trên ứng dụng như "Chém Giá" hay "Shake Shake".

Thị trường còn nhiều khoảng trống

Những đối thủ lần lượt xếp sau Shopee và Lazada trên bảng xếp hạng toàn quốc là ba sàn TMĐT nội gồm Tiki, Sendo và Adayroi. Đây cũng tương ứng là ba sàn TMĐT đang có nhiều thay đổi về lượng truy cập website trong các quí gần đây, đặc biệt là Tiki. Sự thay đổi cho sức cạnh tranh và tiềm năng của các công ty TMĐT đến từ Việt Nam.

Phía sau ba sàn trong top 10 gồm một loạt các ứng dụng TMĐT ngoại, bao gồm AliExpress, Amazon, eBay và Alibaba, song họ đều chưa chính thức hoạt động tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử 2019 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), hiện nay chỉ 14% doanh nghiệp Việt Nam có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Bản báo cáo cũng kết luận rằng việc có chiến lược kinh doanh hiệu quả trên nền tảng di động chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp lớn có quy mô, còn đa số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho xu hướng mới của thị trường.

Thực tế ấy cho thấy các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu mua sắm trên thiết bị di động của người tiêu dùng trong nước. Đây sẽ vừa là một thách thức vừa là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp TMĐT biết nắm bắt thời cơ trong thời gian sắp tới.

Đặng Đăng Trường