|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ nhà sách online trở thành sàn TMĐT: Tiki sẽ làm nên chuyện như Amazon?

12:48 | 25/04/2019
Chia sẻ
Vượt ra khỏi “cái mác” cửa hàng bán sách trực tuyến, Tiki đang bán các sản phẩm thuộc 26 mặt hàng khác nhau, trở thành trang TMĐT có lượng truy cập lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng giá trị giao dịch tăng trưởng hằng năm ít nhất 3 lần.

Từ một nhà sách online trở thành sàn TMĐT nội địa lớn nhất 

Hiện nay, "gã khổng lồ" thương mại điện tử Amazon là thương hiệu đắt giá nhất hành tinh với giá trị gần 190 tỉ USD (theo danh sách Global 500). Ngày nay, nó bán tất cả mọi thứ, từ đồ điện tử, quần áo, nhạc cụ cho đến đồ dùng thứ cưng.

Thậm chí, Amazon còn theo đuổi ý định mở các cửa hàng tạp hoá hay lấn sang sản xuất thiết bị phần cứng, truyền phát nội dung, phát triển dữ liệu và điện toán đám mây.

Ban đầu Amazon là một cửa hàng bán sách online và chính nhà sáng lập, tỉ phú Jeff Bezos đã đi giao từng quyển sách trong thời điểm ban đầu.

Chia sẻ trên TechinAsia, Trần Ngọc Thái Sơn nói câu chuyện về Amazon đã truyền cảm hứng để anh làm điều tương tự ở Việt Nam khi gây dựng nên Tiki.

Trần Ngọc Thái Sơn thành lập Tiki từ năm 2010, cũng bắt đầu từ một cửa hàng bán sách trực tuyến. Nhà sáng lập nhận thấy các cửa hàng bán sách chỉ cung cấp số lượng sách giới hạn, không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người đọc. Và đây chính điều kiện hoàn hảo để cho ra đời một nền tảng bán lẻ trực tuyến.

Từ nhà sách online trở thành sàn TMĐT: Tiki sẽ làm nên chuyện như Amazon? - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Tiki. Ảnh: TechinAsia.

Sau đó, Tiki đã vươn ra ngoài phạm vi là một nền tảng bán sách trực tuyến. Công ty 9 năm tuổi bán các sản phẩm thuộc 26 loại mặt hàng khác nhau, có trên 1,2 triệu đơn vị lưu kho (SKU), Giám đốc kinh doanh Kartick Naraya của Tiki cho biết.

"Chúng tôi có khoảng 10.000 đầu sách. Xuất phát từ một nền tảng bán sách trực tuyến, nay chúng tôi bán mọi thứ: từ xe máy, dịch vụ kỹ thuật số như bảo hiểm ung thư, nạp tiền điện thoại và thiết bị gia dụng điện tử", Naraya nói.

Tiki không tiết lộ tổng khối lượng hàng hóa giao dịch (GMV) hoặc các số liệu liên quan, nhưng ông Naraya xác nhận GMV của công ty tăng trưởng hằng năm ít nhất 3 lần, tăng 3,3 lần trong năm 2018.

Theo bảng xếp hạng của Iprice, số lượt truy cập vào Tiki đang đứng thứ hai trong các trang TMĐT ở Việt Nam (xếp sau Shopee) và là sàn TMĐT nội địa lớn nhất.

Từ nhà sách online trở thành sàn TMĐT: Tiki sẽ làm nên chuyện như Amazon? - Ảnh 2.

Lượng truy cập trung bình tháng của 5 trang TMĐT tại Việt Nam. Đồ họa: Tuệ An.

Hiện nay, hai đối thủ lớn nhất của Tiki tại Việt Nam đều là các sàn TMĐT của Trung Quốc, có vị thế vững chắc trên thị trường Đông Nam Á: Shopee (Công ty con của Tập đoàn SEA) và Lazada (thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn Alibaba). Hai đối thủ có thể đe dọa Tiki khi công ty mở rộng ra phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, Giám đốc tiếp thị nội dung và chiến lược của iPrice Việt Nam, anh Đặng Đăng Trường, cho rằng Tiki có thể có vài con át chủ bài trong cuộc chiến.

"Số lượt truy cập web trung bình tháng của Tiki tăng 80% trong vòng 6 tháng, đưa họ từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ hai trong số các trang web TMĐT có lượt truy cập lớn nhất ở Việt Nam. Khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng series C do Tập đoàn JD dẫn đầu đóng vai trò quan trọng đối với thành công này của Tiki".

Bên cạnh đó, những chiến dịch marketing cùng với mối quan hệ hợp tác với các đối tác như Zalo Pay... cũng giúp củng cố vị thế của Tiki.

Nghiên cứu từ công ty phân tích Q&Me cho thấy Shopee là trang thương mại điện tử được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam trong năm 2018. Nghiên cứu một nhóm tập trung của công ty cho thấy 75% số người sử dụng Shopee ít nhất một lần và 35% sử dụng một cách thường xuyên. Các con số này đối với Lazada lần lượt là 70% và 30%. Còn đối với Tiki, tỉ lệ lần lượt là 58% và 17%.

Mở rộng danh sách đối tác xuyên biên giới 

Như những người tiên phong ở các thị trường mới nổi đang trải qua quá trình số hoá, một trong những rào cản lớn nhất của Tiki là việc giáo dục người dùng thói quen mua hàng trực tuyến. Vì vậy, Tiki có rất nhiều việc cần phải làm, ông Narayan thừa nhận.

Trước những thách thức trong việc đưa các mặt hàng offline lên trang bán hàng trực tuyến, ông tiết lộ Tiki đang dần mở rộng các dòng sản phẩm.

Sự đầu tư chiến lược từ Tập đoàn JD đã mang đến cho Tiki cơ hội tiếp cận với một loạt thương hiệu phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Ông nói trang TMĐT Tiki sẽ sớm công bố mối quan hệ đối tác với các thương hiệu Nhật Bản và Đài Loan, và cam kết các sản phẩm được vận chuyển từ các quốc gia này có thể đến tay người dùng trong vòng 7 ngày đặt mua.

Từ nhà sách online trở thành sàn TMĐT: Tiki sẽ làm nên chuyện như Amazon? - Ảnh 3.

Ảnh: Tinhte.vn

"Chúng tôi có hơn 200.000 mặt hàng có sẵn từ các công ty nước ngoài - mọi thứ, từ nhãn hàng thời trang cao cấp, kính râm, cho đến các mặt hàng thông thường", ông nói thêm.

Noi gương Amazon Prime, công ty đã ra mắt TikiNow, dịch vụ giao hàng nhanh trong vòng hai giờ. "Dịch vụ giao hàng hai giờ thực sự rất khó để thực hiện rộng rãi ở quy mô lớn. Chỉ có một số công ty trên thế giới có thể triển khai", Naraya nhận định.

Ông cho biết 98% đơn hàng TikiNow thực tế được giao trong vòng 90 phút.

Tảng băng chìm của một nền tảng TMĐT

Từ giữa năm 2017, phát triển từ mô hình cốt lõi là B2C (Business to Customer), Tiki triển khai thêm cả mô hình C2C (Customer to Customer). Với mô hình marketplace (kết hợp B2C và C2C), Tiki có thể cạnh tranh trực tiếp với nền tảng Lazada (vốn tập trung B2C) và Shopee lấy C2C làm trung tâm.

Một số phần quan trọng trong hoạt động của một nền tảng TMĐT là tảng băm chìm mà khách hàng ít người biết đến. Narayan tuyên bố Tiki có diện tích phục vụ hoạt động vận đơn lớn nhất Việt Nam, với hơn 30.000 m2 nhà kho và các điểm phân phối khắp cả nước.

Về mặt công nghệ, khái niệm "trang thông tin chi tiết duy nhất" (single detailed page) của website Tiki hướng đến việc cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch. Tính năng góp phần giải quyết vấn đề thị trường hiện nay, là cùng một sản phẩm nhưng được bán bởi các nhà bán lẻ khác nhau với các mức giá khác nhau. Theo Narayan, điều này tạo nên sự băn khoăn ở nhiều trang TMĐT.

Narayan cho rằng sự khác biệt này sẽ là chìa khóa then chốt cho cánh cửa mở rộng ra khu vực của Tiki trong cuộc cạnh tranh với Lazada và Shopee. Đó cũng là một chiến lược mà Tiki học hỏi từ tỉ phú Jeff Bezos.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tuệ An

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.